Phần 01: Bạch miêu quân đoàn và Văn hóa

A. BẠCH MIÊU QUÂN ĐOÀN

Tôi là một chú mèo trắng, kể cả không soi gương thì tôi cũng biết chắc chắn mình là mèo trắng không sai. Sứ mệnh của tôi là bắt chuột, tôi hiểu rõ lắm nên các ông đừng lừa tôi là mèo làm cảnh hay giữ nhà nhé.

Sau một thời gian đơn độc bắt chuột tôi muốn tìm thêm những con mèo khác để cùng bắt chuột với mình, trắng chấm vàng cũng được, trắng chấm hồng cũng chẳng sao miễn là mèo trắng vì đơn giản tôi là mèo trắng mà, bắt chuột cùng mèo vàng khó lắm.

Thế rồi qua một thời gian chúng tôi có một đội mèo trắng, chúng tôi sáng tạo ra cách bắt chuột của mèo trắng (thật ra là học lỏm của bọn mèo vàng, mèo xanh) chúng tôi xây dựng được một môi trường mèo trắng mà trong đó tất cả những chú mèo trắng đều hoạt động rất hiệu quả và vui vẻ. Đôi khi cũng có một vài chú mèo vàng, mèo xanh tham gia cùng chúng tôi nhưng chỉ có hai kết cục hoặc là nó nhuộm lại lông thành mèo trắng hoặc nó rời khỏi đội ngũ, vì chúng tôi là đội quân mèo trắng cơ mà.

Rồi một ngày chúng tôi phát hiện ra rằng mèo trắng mà có đốm vàng ở trên trán thì bắt chuột hiệu quả gấp đôi. Chúng tôi bắt đầu vinh danh kể câu chuyện về những con mèo trắng có đốm vàng trên mắt và một vài con mèo trong chúng tôi đã thử chấm một điểm vàng trên trán và tin được không hiệu suất bắt chuột đúng là tăng gấp đôi. Thấy vậy tất cả chúng tôi đã chấm một điểm vàng trên trán và nó thực sự hiệu quả (nó hiệu quả thật đấy bạn nên thử – à nếu bạn là mèo trắng thôi nhé).

Thi thoảng cũng có một chú mèo trắng bỗng nhiên biến thành mèo vàng, giải pháp của chúng tôi là hỏi chú mèo đó. Nếu nó muốn tiếp tục là mèo trắng chúng tôi sẽ giúp nó. Nếu không thì nó nên gia nhập vào cộng đồng mèo vàng – vì điều đó tốt cho tất cả phải không? Vì mèo trắng, mèo vàng cũng đâu quan trọng, quan trọng là bắt được chuột phải không nào? Chúng tôi đều là mèo, sứ mạng của tôi sinh ra là để bắt chuột. Màu sắc, đội nhóm chỉ là một trong những phương thức mà tôi dùng để thực hiện sứ mạng của mình mà thôi…

B. VĂN HÓA

I. VĂN HÓA LÀ GÌ?

Theo quan điểm của tôi, văn hóa là một phương thức hành xử mà có thể có hoặc không được quy định trong tài liệu. Là cách thức tương tác giữa người <-> người, người <-> xã hội.

II. HÀNH TRÌNH VĂN HÓA

Văn hóa bản chất là sự truyền thụ, thường đến từ hai nguồn chính:

1. Truyền thụ có điều chỉnh

Văn hóa đến từ việc cải tiến truyền thụ qua các thế hệ kèm theo không ngừng tối ưu để phù hợp với thực trạng xã hội. Ví dụ như ông nội tôi truyền lại cho bố tôi về việc gặp người lớn tuổi phải chào. Rồi sau đó bố tôi lại truyền lại cho tôi điều đó, tất nhiên trong quá trình truyền lại cho tôi ông sẽ cải biến thêm,bớt, điều chỉnh một chút cho phù hợp với gia đình, con người, xã hội. Rồi tôi cũng lại truyền lại cho con mình điều đó cũng có những điều chỉnh đề phù hợp với gia đình, xã hội. Như hồi tôi còn nhỏ thì gặp người lớn phải khoanh tay, cúi đầu chào, đến con tôi thì chỉ cần cúi đầu nở một nụ cười là được rồi. Truyền thụ có điều chỉnh cho phù là một phần cốt lõi của văn hóa.

2. Văn hóa đến từ những vĩ nhân – những người có ảnh hưởng

Trong lịch sử phát triển của loài người sẽ có những vĩ nhân mà hệ tư tưởng của họ truyền thụ lại cho muôn đời sau. Ban đầu họ là những người có hệ tư tưởng tốt mà ảnh hưởng, về sau những hệ tư tưởng của họ được lưu truyền cho muôn đời sau thì họ trở thành những vĩ nhân. Mỗi người trong chúng hiện nay ít nhiều đều chịu sự ảnh hưởng từ những vĩ nhân này.

III. VĂN HÓA CHÚ TRỌNG VÀO SỰ PHÙ HỢP

“Mèo đen hay mèo trắng, mèo bắt được chuột là mèo tốt” Văn hóa cũng vậy là hiệu quả, là sự phù hợp. Những văn hóa ở xã hội truyền đời lại cho chúng ta đến hiện nay phần lớn đều là phù hợp, sẽ còn một phần nhỏ là không gian để điều chỉnh theo các yếu tố xã hội hiện đại.

Có những thứ không còn phù hợp hoặc không được điều chỉnh nhanh để thì sẽ được gọi là “hủ tục”. Gọi là hủ tục vì nó không còn PHÙ HỢP với thời hiện đại. Nhưng chắc chắn rằng nó “đã từng” phù hợp với xã hội, với con người của thời đại mà đó được sinh ra. Vì đơn giản là không phù hợp thì sẽ không thể tồn tại trong thời gian dài.

(Vậy mới thấy các vĩ nhân có hệ văn hóa truyền đời hàng nghìn năm đến tận bây giờ và vẫn phù hợp họ vĩ đại đến nhường nào).

C. VĂN HÓA TRONG DOANH NGHIỆP

Tương tự như văn hóa xã hội, văn hóa doanh nghiệp là cách thức tương tác giữa người <-> người hoặc người <-> doanh nghiệp. Doanh nghiệp là một thực thể nằm trong xã hội nên văn hóa doanh nghiệp cũng chịu một phần của văn hóa xã hội.

I. HÀNH TRÌNH VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

Văn hóa doanh nghiệp bắt đầu từ những người “có ảnh hưởng” đến doanh nghiệp. Đầu tiên là những người sáng lập, những người sáng lập sẽ thích chọn những người có cùng hệ tư tưởng và giá trị giống mình để cùng làm việc. Rồi họ sẽ hình thành một “xã hội” thu nhỏ mà bên trong đó có các quy tắc, chuẩn mực về hành xử nhất định mà các nhân sự được tuyển vào tiếp theo mà tích cực thì sẽ hoặc phù hợp mà thuận theo, hoặc không phù hợp mà rời đi. Cả hai điều trên đều tốt cho một nền văn hóa mạnh và tập trung. Trong trường hợp xấu là nhân sự không phù hợp mà lãnh đạo hoặc tập thể không đủ quyết tâm để đào thải thì sẽ dẫn đến trường hợp bị loãng văn hóa. Mà pha loãng văn hóa sẽ dẫn đến một điều rất tai hại tôi sẽ chia sẻ bên dưới.

II. VĂN HÓA DOANH NGHIỆP CẦN PHÙ HỢP VỚI ĐỊNH HƯỚNG KINH DOANH

Như đã nói ở phần trên, văn hóa doanh nghiệp do những con người có ảnh hưởng tạo ra. Nó là thứ mà bản thân mỗi doanh nghiệp đều đã có và tồn tại, vậy nên xin các chủ doanh nghiệp một điều TUYỆT ĐỐI ĐỪNG MƯỢN VĂN HÓA CỦA DOANH NGHIỆP KHÁC VỀ. Thú thật là chính chúng tôi đã có những giai đoạn như vậy và nó buồn cười kinh khủng. Điều đó giống hoặc bạn không biết mình là mèo trắng (tệ), hoặc bạn biết mình là mèo trắng những vẫn học cách ứng xử như mèo xanh (quá tệ :))).

Ví dụ như doanh nghiệp tôi có văn hóa xôi thịt là “thích tiền” cứ cái gì phải hoa hồng rồi cơ chế rõ ràng thì đó cũng là một điều bình thường. Tại sao tôi phải nói là mình làm vì đam mê, vì khát vọng, vì sự sáng tạo. Thay vì việc đó tôi sẽ chọn một hình thức kinh doanh mà dòng tiền mang lại nhanh hơn cho đội ngũ như là “SALE” chẳng hạn.

Còn những hình thức có dòng tiền kinh doanh chậm hơn tôi sẽ phải xem xét thật kỹ lưỡng. Gọi là xem xét vì có thể đội ngũ thay đổi vì phương thức kinh doanh, có thể phương thức kinh doanh thay đổi vì đội ngũ. Đó là một phương trình nhiều biến mà tùy mỗi trường hợp sẽ trả một kết quả khác nhau, nếu bạn muốn biết cách tính thì mời đọc Phần 01: Do right things.

Sự nguy hiểm ở văn hóa bị pha loãng là nó sẽ gây ra sự mâu thuẫn trong chính đội ngũ. Rồi cuối cùng chẳng có thứ gì được thành hình một cách rõ ràng, đội ngũ cứ chơi theo phong cách nửa này nửa kia, rồi những nhân sự phù hợp không được phát huy năng lực của mình. Nó buồn chán như một chú mèo trắng phải chơi với toàn mèo vàng, mèo xanh. Rồi đội quân mèo cũng dẫm đạp lên nhau mà không biết phải chiến đấu theo phong cách nào. Cuối cùng thì tất cả nản quá, có thực hiện được sứ mệnh đâu mà làm làm gì, giải tán hết….

Đừng nghe mấy thằng Big Corp nó bảo nó đa văn hóa mà ham. Như Facebook, Google không phải là đa văn hóa mà là ĐA SẮC TỘC chứ văn hóa thì vẫn chuyên nhất thế thôi. Như Facebook nó đang chơi 1 hệ riêng mà ông vào bảo là văn hóa của tôi là bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng xem thằng Mắc xoăn nó có sút ông ra ngay trong ngày không? Hay như Vingroup nó đang kỷ luật ông cứ thử thể hiện văn hóa là “linh động để tăng cường sáng tạo” xem.

Vậy kết phần này chúng ta thống nhất với nhau là văn hóa cần phù hợp và chuyên nhất, đồng lòng từ trên xuống dưới.

Văn hóa không có phân tốt xấu chỉ có phù hợp hay không. Cơ bản tôi là mèo trắng, tôi cần hiểu mình là mèo trắng, tôi tuyển tập 101 chú mèo trắng (1 con đen cũng không chơi) sau đó tôi sẽ tìm cách bắt chuột thích hợp với mèo trắng. Chuyện mèo đen bên ngoài nó bắt chuột thế nào đâu có liên quan đến tôi khi tôi là mèo trắng, phải không nào.

III. TIẾP NHẬN, NÂNG CẤP VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

Văn hóa là thứ hình thành từ ban đầu nhưng không phải không thể thay đổi. Tùy vào định hướng kinh doanh và sự phù hợp mà doanh nghiệp cần nâng cấp, thay đổi văn hóa một cách thích hợp và chìa khóa của việc này là SỰ ẢNH HƯỞNG. Sự ảnh hưởng này nên nhưng không nhất thiết phải là các lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp.

Nếu một doanh nghiệp trong quá trình xây dựng văn hóa chăm chỉ mà lãnh đạo là một người chăm chỉ thì sẽ rất tốt. Tuy nhiên một doanh nghiệp phát triển thì lãnh đạo không phải là sự ảnh hưởng DUY NHẤT. Sự ảnh hưởng có thể đến từ bất kỳ ai, một bạn HR yêu thương, một bạn marketing cống hiến v.v.. Về cơ bản một cộng đồng là nơi mà TẤT CẢ mọi người ảnh hưởng lẫn nhau thông qua cách này hay cách khác. Có hay chăng nhiệm vụ của doanh nghiệp sẽ phải điều hướng sự ảnh hưởng đó theo hướng phù hợp nhất.

Có 02 phương pháp để nâng cấp, tiếp nhận các văn hóa phù hợp cho doanh nghiệp

1. Những người có ảnh hưởng trong doanh nghiệp họ có văn hóa phù hợp không?

CÓ: Doanh nghiệp cần nhân rộng cho sự ảnh hưởng của họ.

Có NHƯNG CHƯA MẠNH: Doanh nghiệp sẽ cần đào tạo, uốn nắn bằng nhiều phương pháp khác nhau cho họ để hình thành phù hợp văn hóa.

KHÔNG: Chỉ có 02 hướng. Một là xóa bỏ sự ảnh hưởng của họ nếu muốn phát triển tiếp văn hóa. Hai là chấp nhận văn hóa như hiện tại và việc lúc này lại là thay đổi định hướng kinh doanh để phù hợp với văn hóa hiện tại.

2. Những người có văn hóa phù hợp cần có ảnh hưởng trong doanh nghiệp

Nâng cao sự ảnh hưởng không có nghĩa bạn phải bổ nhiệm họ vào một vị trí nào đó kiểu như “trưởng ban văn hóa” hay “thủ lĩnh sáng tạo”. Đôi khi chỉ cần một sự truyền thông, một sự vinh danh, một phần thưởng nho nhỏ hay bất kỳ một thứ gì giúp doanh nghiệp có thể “lan tỏa” được các văn hóa phù hợp đó.

IV. VĂN HÓA DOANH NGHIỆP CẦN NUÔI DƯỠNG HÀNG NGÀY

Văn hóa là sự ảnh hưởng vậy nên làm văn hóa doanh nghiệp giống như trồng cái cây, chỗ nào tốt, phù hợp thì mình tưới nước cho nó (tạo ảnh hưởng). Chỗ nào chưa phù hợp lắm thì mình uốn nắn nó lại cho phù hợp. Chỗ nào lệch lạc hẳn thì mình cắt tỉa tránh cho nó tạo ảnh hưởng xấu.

Nhìn qua xã hội thì người ta cũng như vậy thôi người tốt thì sẽ được vinh danh, vinh danh để tạo ảnh hưởng cho cộng đồng. Những hành động chưa tốt thì có giáo dục, định hướng để uốn nắn thay đổi. Những hành động quá sai khác thì bị cách ly với xã hội (nhẹ thì cộng đồng tẩy chay, nặng thì pháp luật bỏ tù).

Người chủ trì văn hóa doanh nghiệp (thường là CEO) phải rất kiên quyết với việc chăm sóc văn hóa của mình. Kiên quyết chỉ tuyển dụng những người phù hợp, loại bỏ những người không phù hợp. Vinh danh, khuyến khích những hành động phù hợp. Khiển trách, ngăn cản những hành động không phù hợp. Xa hơn nữa là xây dựng cơ chế, môi trường để văn hóa phù hợp được nuôi dưỡng và phát triển. Được như vậy chắc chắn doanh nghiệp sẽ có một văn hóa mạnh và chuyên nhất.

Qua bài viết mong muốn các bạn hiểu về cách thức vận hành của văn hóa để cho mỗi chúng ta dù ở cương vị nào cũng góp một phần vào xây dựng nên các gia đình, doanh nghiệp, tập thể có nền văn hóa mạnh.

Anh chuyên viên
Thanh Hóa – 18/04/2021

Nhập chủ đề bạn muốn đọc trong các bài viết tiếp theo tại đây.

Một bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s