PHẦN III: PHÂN CHIA GIAI CẤP TRONG XÃ HỘI NGHIỆN

Vòng xoáy của những cơn nghiện sẽ đẩy xã hội đến sự phân hóa mạnh, sự phân hóa về của cải vật chất sẽ đi kèm theo sự phân hóa của các giai cấp.

1. Các Giai Cấp Trong Thời Đại Mới

a. Kẻ Tạo Lập Cơn Nghiện

Trong một thế giới nghiện ngập thì kẻ tạo ra cơn nghiện đứng trên đỉnh kim tự tháp. Là những người cầm quyền trong thời đại mới. Họ làm hoàng đế trong quốc gia họ tạo ra, họ có quyền cấm tham gia với bất kỳ ai không tuân theo quy tắc mà họ đưa ra. Ngày nào chúng ta còn nghiện thì họ còn đứng trên đỉnh kim tự tháp. Thật khó nói nếu so sánh về quyền lực của Facebook, Google, Apple so với một nguyên thủ quốc gia. Các Big tech giờ đây ngày càng giống một vị hoàng đế hơn là một lãnh đạo tập đoàn. 

Nếu hoàng đế khi xưa bỏ tù những ai không tuân theo lời họ hoặc không tuân theo luật lệ (do họ làm ra) thì những hoàng đế thời đại mới cũng vậy. Bản chất việc bỏ tù một ai đó hay block có cùng một tính chất, sự trừng phạt đến từ việc cắt toàn bộ các nhu cầu tinh thần 3 tầng trên của tháp nhu cầu. Người bị giam giữ không được tham gia cộng đồng, không được tôn trọng, không được thể hiện bản thân. Nếu không tham gia cộng đồng thì lấy ai để tôn trọng mình, lấy ai để mình thể hiện với họ. Đến hiện tại hoàng đế thời đại mới vẫn chưa có đầy đủ quyền lực do chúng ta vẫn đang sống song song trong thế giới cũ và thế giới mới. Nhưng thử tưởng tượng nếu một ngày tất cả bạn bè chúng ta đều online, thì việc bị block và việc bỏ tù không khác nhau quá nhiều.

Hai trăm năm trước nước Anh rất thông minh khi xâm nhập Trung Quốc bằng nha phiến, hai trăm năm sau Trung Quốc đã rất tỉnh táo khi ngăn chặn toàn bộ Facebook, Google thâm nhập vào mà dành chỗ cho Alibaba, Tencent, Baidu v.v.. Và cũng không khó hiểu khi chính các big tech nội địa này lại tiếp tục bị gõ khi trở nên quá lớn. Đơn giản là ở một nơi mà có hoàng đế trị vì thì hoàng đế sẽ không chấp nhận sự xuất hiện của các hoàng đế khác.

Kẻ tạo cơn nghiện là tinh hoa, đứng ở trên đỉnh của xã hội. Xã hội càng tập trung thì tầng lớp này càng cô đọng. Nếu 5000 năm trước hàng nghìn tù trưởng quản lý hàng nghìn bộ lạc thì giờ đây sẽ chỉ còn rất ít hoàng đế quản lý các vương quốc do mình tạo ra và kiểm soát. Dù có thể vương quốc đó không hề có giới hạn về địa lý hay ngôn ngữ.

b. Con Nghiện

Con nghiện có nhiều hình thức tên gọi khác nhau phụ thuộc vào “độ nghiện ngập”. Nhẹ nhàng thì là người tiêu dùng, nặng hơn chút thì là con nghiện, nặng nữa thì là nô lệ. Vậy nên tôi xin được dùng mức ở giữa – con nghiện để định danh nhóm này.

Trong chúng ta ai cũng đang là một con nghiện cho một thứ gì đó. Có thể nó mang dáng dấp lành mạnh như “công việc”, “sự nghiệp” hoặc thời trang hay đồng hồ, hay như game, mạng xã hội, hay như các chất gây nghiện “truyền thống” như rượu bia, thuốc lá, ma túy v.v… Về cơ bản thì con nghiện là người chi trả chính cho những kẻ gây nghiện thông qua quá trình sử dụng chất gây nghiện của mình. Mức chi trả này cao hơn tiêu dùng và tiêu thụ, họ chi trả một cách không dừng được dù đôi khi họ cảm giác thấy việc tiêu thụ đó không có lợi hại thậm chí là độc hại đối với mình. Như một con nghiện tỉnh táo sau cơn say và hối hận về hành động của mình.

Sẽ thật khó nói nếu so sánh việc nghiện Facebook, smartphone hay nghiện thuốc lá cái nào tệ hơn. Một nghiên cứu nói rằng cứ mỗi một điếu thuốc bạn hút sẽ giảm đi 7 phút tuổi thọ. Vậy 1 bao thuốc là 2h, 2h đó có khác gì 2h của việc chơi game hoặc lướt Tiktok hay không?

Bạn đã bao giờ bị mất điện thoại, Facebook trong một – vài ngày chưa? Nếu có thì bạn có cảm thấy khó chịu, bứt rứt không? Đó là một triệu chứng của cơn nghiện, một triệu chứng của việc đói dopamine. Smartphone/ mạng xã hội làm được một điều không chỉ là nơi để kết nối cộng đồng nó còn đồng thời thỏa mãn các nhu cầu thể hiện bản thân. Chính vì vậy có lẽ smartphone trở thành cơn nghiện thống trị suốt trong thời gian qua.

Tất cả những ai thuộc tầng lớp con nghiện sẽ là người bị trị trong thời đại mới. Sự say mê với cơn nghiện sẽ làm họ ít khả năng tiếp cận với các thông tin chính xác hơn. Thói quen tiếp xúc với những thứ dễ dãi, thiếu tư duy phản biện sẽ khiến họ dễ bị điều hướng hơn. Đi đến tận cùng sự tự do không còn kể cả ở trong suy nghĩ. Khi đã kết dính cả về thời gian và thông tin ở trên một hệ thống nào đó thì việc thay đổi quan điểm hay suy nghĩ của một người hay nhóm người chỉ là việc thay đổi thuật toán. 

Mặc dù là một người kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ nhưng tôi nghĩ các phụ huynh nên cho con mình sử dụng công nghệ một cách thận trọng. Đừng cấm đoán trẻ chơi game/Tiktok vì bạn sẽ làm chúng mất khả năng đề kháng sau này vì trước sau chúng cũng sẽ tiếp cận với các cơn nghiện và nếu không có sức đề kháng chúng sẽ gây ra hậu quả rất khủng khiếp. Còn thận trọng vì chúng ta không muốn bị nghiện quá sớm phải không nào?

c. Kẻ Bán Thuốc

Đây là tầng lớp thú vị nhất: họ giống những kẻ tạo lập cơn nghiện ở chỗ có thể nghiện nhẹ hoặc đã từng nghiện nhưng không đắm chìm trong đó. Họ giữ được trạng thái vừa hòa nhập nhưng không bị hòa tan, tôi gọi đây là trạng thái bơi theo cơn nghiện. Tuy nhiên do họ không đủ năng lực, nguồn lực để trở thành hệ thống lớn để trở thành hoàng đế vậy nên họ thường đóng vai trò là quần thần hỗ trợ cho các kẻ tạo lập truyền bá cơn nghiện của mình.

Họ có thể đóng vai trò hợp pháp như những kẻ phân phối cơn nghiện: Một nhà kinh doanh trên Amazon, một nhà sáng tạo nội dung trên Tiktok. Họ có thể là một developer đang code game. Họ cũng có thể là đầu bếp của một nhà hàng sang trọng nào đó.

Hay những vai trò bất hợp pháp như một kẻ tổ chức cờ bạc ở môi trường online hay thậm chí ở đời thực.

Tựu chung lại họ sống trong thế giới nghiện ngập, cố gắng học tập mỗi ngày để hiểu nguyên lý, cách vận hành của xã hội mới đồng thời cố gắng để mình không bị sa đà vào cơn nghiện. Quả là một điều không dễ dàng.

Càng hiểu về nguyên lý cơn nghiện và cách thức tận dụng nó, họ càng thành công. Vì đó sẽ là cách mà thế giới vận hành.

d. Ẩn Sỹ

Đây là một tầng lớp không mới trong xã hội, họ chọn cuộc sống cách biệt – không tiếp xúc với các chất gây nghiện. Trong một xã hội mà phần lớn đều là con nghiện và các chất gây nghiện len lỏi khắp tất cả các mặt cuộc sống thì việc cách biệt với chất gây nghiện đồng nghĩa với việc cách biệt khỏi phần lớn xã hội. Thách thức lớn nhất với tầng lớp này là sự cô đơn khi họ chọn cuộc sống tách biệt ra khỏi xã hội.

Ở mức độ nhẹ có thể là một nhóm người “về quê trồng rau nuôi cá”, ở cấp độ cao hơn đó có thể là một cao tăng khổ hạnh đang thực hành việc sống hạnh phúc thông qua cắt giảm ham muốn và tìm bình yên nội tại ở nơi nào đó.

Đây là tầng lớp mà nếu vượt qua được sự cô đơn thì họ sẽ có một sống một cuộc sống hạnh phúc nội tại. Hình thức này đã xuất hiện rất lâu trong lịch sử trong các dòng tôn giáo và đời thường.

Rút ra khỏi một vài thứ thì bạn là ẩn sĩ, là người tu tập. Rút ra được tất cả là đắc đạo. Giúp đỡ mọi người rút ra được thì đó chính là hiền triết, là thánh nhân.

Bạn sẽ thấy một phần nào đó của ẩn sĩ ở xung quanh bạn. Một người bạn trẻ nào đó không dùng smartphone, không Facebook hoặc thậm chí ít giao tiếp với xã hội, ít mong cầu. Họ có thể có một cuộc sống giản dị, không quá giàu có về mặt vật chất nhưng đủ đầy về mặt tinh thần. Dĩ nhiên đâu đó chúng ta sẽ thấy cuộc sống như vậy khá là buồn chán nhưng với họ đó là sự hạnh phúc (ít nhất đó là góc nhìn của họ).

Đây là tầng lớp đã tồn tại rất lâu đời và cũng sẽ không mất đi trong thế giới mới. Tuy nhiên như đã nói ở các phần trước, sự tham lam và ham muốn là bản năng đã giúp con người ta đi đến ngày hôm nay. Loài người phát triển vì lúc nào họ cũng “muốn” thêm một thứ gì đó. Vậy nên về nguyên tắc đây không thể là một tư tưởng chủ đạo trong một xã hội phát triển.

2. Chúng Ta Có Thể Làm Gì

Đầu tiên đừng để mình trở thành một người “quá” nghiện dù đó là bất kỳ thứ gì. Mong cầu là không xấu nhưng phụ thuộc vào mong muốn đó là tai hại. Bao nhiêu đời nay nghiện lúc nào cũng là dở.

Các tôn giáo cũng như những hệ tư tưởng như Phật Giáo, thiền, chủ nghĩa khắc kỷ, đạo đức kinh hay các tôn giáo khác là một công cụ hữu ích giúp chúng ta kiềm chế lại các mong muốn và dục vọng của bản thân. Tất nhiên bạn không nhất thiết phải tu tập để trở thành một vị chân tu, chỉ tìm hiểu và tu tập một chút để giữ cho mọi thứ trong tầm kiểm soát đã là rất có lợi rồi.

Như cá nhân mình nghiện thuốc lào – cũng là dở lắm nhưng nếu không có một vài thứ như vậy thì cuộc sống sẽ thật buồn phải không (tâm sự của con nghiện).

Ngoài ra hãy cố gắng đừng để mình trở thành người bị nô lệ về tâm thức. Nếu bạn chỉ tiêu thụ một thông tin từ một nguồn mà thiếu sự đa dạng hay tư duy phản biện bạn sẽ trở thành nô lệ về tâm thức. Nếu tất cả thông tin bạn nạp vào chỉ đến từ Tiktok, Facebook, hay thậm chí một nguồn nào đó thì sẽ ra sao? Bạn sẽ hành động, cư xử theo nguồn thông tin đó và nếu ra sao nếu đó là những thứ điều hướng? Đó là những fake news?

KẾT

Loài người vẫn sẽ tiếp tục bơi trong sự ham muốn của mình. Phần lớn trong mỗi chúng ta đều đóng nhiều vai trò một lúc như ẩn sĩ, con nghiện, kẻ bán thuốc nhưng theo xu hướng gia tăng của cơn nghiện thì sự phân hoá sẽ ngày càng lớn. Mọi thứ sẽ tiếp tục phân hoá khi mọi người cố gắng deliver những cơn nghiện đó và gốc rễ vẫn đến từ nhu cầu gia tăng mỗi ngày.

Có lẽ đó là lý do mà tôn giáo và các hệ tư tưởng xuất hiện hàng nghìn năm nay và có lẽ sẽ còn tồn tại trong tương lai dài phía trước.

Nhập chủ đề bạn muốn đọc trong các bài viết tiếp theo tại đây.

Bình luận về bài viết này