Phần 04: Hành trình thu thập trải nghiệm

Trước tiên thì cần nói quan điểm của mình là: Trải nghiệm quyết định tư duy, tư duy quyết định hành động, hành động quyết định thành công. Vậy nên, muốn thành công thì nền móng ban đầu là phải làm giàu trải nghiệm một cách “hữu ích”.

Tại sao thế?

I. Xem BẢN CHẤT CỦA TRẢI NGHIỆM là gì đã nhé!

Trải nghiệm bản chất là “thông tin”. Bạn đi ra đường thấy cái xe đi ngang qua – đó là trải nghiệm. Bạn ngồi nói chuyện với bạn bè – đó là trải nghiệm. Bạn xem tivi, đọc báo, lướt facebook cũng là trải nghiệm. Trong cuộc sống, vốn chúng ta là một cỗ máy liên tục thu thập thông tin – trải nghiệm và đưa ra quyết định trên các thông tin – trải nghiệm đó.

Chúng ta thường hay nghe những câu đại loại như: “Anh A rất thú vị vì anh ấy có nhiều trải nghiệm!” hay “chị B rất giỏi vì chị ấy có nhiều kinh nghiệm”… Tôi thì thấy câu này là chưa đúng!

Trải nghiệm về “khối lượng” của mỗi người là như nhau. Ai cũng có mỗi ngày khoảng 8 tiếng để ngủ và 16 tiếng thức để trải nghiệm. Tạm ví là nếu trải nghiệm của chúng ta như một video clip thì mỗi ngày ai ai cũng có một “chiếc clip cuộc đời” dài 16h. Chiếc daily clip cuộc đời này ngoài âm thanh và hình ảnh thì còn cả xúc giác, vị giác, khứu giác, đầy đủ các loại giác…

Vậy đấy, khi khối lượng ai cũng như nhau mỗi ngày đều có 16h thì điều gì tạo nên hiệu quả khác biệt để tạo thành anh A thú vị hay chị B học giỏi?

Sự khác biệt đó đến từ “sự hữu ích” của trải nghiệm!

II. Thế TRẢI NGHIỆM HỮU ÍCH là gì?

Mình dùng từ hữu ích hay phù hợp là muốn nói bản chất trải nghiệm thì không có hay dở, chỉ có hữu ích hay không mà thôi. Mà muốn hữu ích thì kết nối đến nhu cầu của bản thân. Nếu nó phù hợp với nhu cầu bản thân thì là hữu ích, nếu không phù hợp với nhu cầu là không hữu ích

Bé nhà mình nó xem youtube. Mục đích của nó là vui! Vậy nó xem video nào thấy vui thì là hữu ích với nó. Còn mục đích của mình khi cho nó xem Youtube là để nó học được gì đó hay ho. Vậy nên cái gì mình thấy bổ ích cho nó thì là hữu ích với mình.

Như kênh Youtube chị Thơ Nguyễn xem thì vui phù hợp với mục đích con nhưng bố không thấy bổ ích vậy nên mục đích xung đột. Mà xung đột thì… tivi của bố nó mua nên xem cái gì là daddy’s choice 😀

Vẫn là câu chuyện chị Thơ Nguyễn, lại có một ví dụ 2 thế này: Giờ mình có mục đích muốn tìm hiểu về cách thức vận hành một kênh Youtube, cấu trúc story của 01 video là như thế nào. Lúc này thì kênh chị Thơ Nguyễn lại là hữu ích với mình vì suy cho cùng nó cũng là một Channel 9 triệu sub được vận hành một cách rất tốt.

Đấy, vẫn 1 channel, 1 video thì tùy từng mục đích nó trở thành hữu ích hay vô bổ. Vậy nên, mình mới nói rằng: Trải nghiệm không có đúng sai chỉ có phù hợp hay không mà thôi. (À, nếu bạn vẫn loay hoay đi tìm mục đích của mình để xem đúng sai phù hợp thì xem lại bài “Doing right things” nhé, trong category này).

III. MÌNH ĐÃ HỌC TẬP TRẢI NGHIỆM HỮU ÍCH NHƯ THẾ NÀO?

Mình sẽ chỉ chia sẻ các cách học tập trải nghiệm hữu ích mà bạn có thể DIY – tự làm một mình mà không cần một người nào khác thôi nhé! Cái này gọi là “võ công” và mình chỉ chia sẻ phần này vì nó ngắn và ít phức tạp.

Quay lại về câu chuyện trải nghiệm quyết định hành vi: Chúng ta chính là những thứ mà chúng ta tiếp nhận. Bạn tiếp nhận những thông tin tích cực thì bạn sẽ tích cực. Bạn tiếp nhận những thông tin tiêu cực thì bạn sẽ tiêu cực. Bạn tiếp cận những kiến thức về tài chính bạn sẽ giỏi về tài chính. Bạn tiếp cận kiến thức về lô đề thì bạn cũng sẽ giỏi về Thần Số Học (đùa thôi) v.v…

Với mình thì cải thiện trải nghiệm có 2 dạng, tương ứng với 2 mục đích là để học tập hay để giải trí.

1. TRẢI NGHIỆM ĐỂ HỌC TẬP THÌ…

Bắt đầu từ MẠNG XÃ HỘI – THÔNG TIN CHIỀU SÂU nhé!

Bước 1: Mình loại tất cả các thứ mình cho là không phù hợp ra ngoài vòng tròn thông tin. Giai đoạn đầu mình đã unfriend, unfollow ⅓ friend list. Chặn hết các kênh Youtube không hữu ích vì mình cảm giác thấy những thứ tiêu cực rất dễ ảnh hưởng đến tâm trạng, kiến thức của mình. Vậy nên, ông nào hay chửi đổng trên Facebook, hay comment ảnh gái xinh là mình unfollow hết (mặc dù hơi tiếc vụ gái xinh).

Bước 2: Follow tất cả những người mình thấy giỏi, đáng học tập. Vậy follow ở đâu? Mình phát hiện ra có nhiều Group lớn rất hay có một số Kols được mệnh danh là “Người chia sẻ”. Mình follow hết Facebook của các anh/chị này. Tương tự với Youtube, mình follow rất nhiều kênh mà mình thấy hữu ích (theo từng giai đoạn).

Kinh nghiệm quyết định ở đây là HÃY FOLLOW NHIỀU NHẤT CÓ THỂ, cứ thấy hữu ích hay ho là follow. Các mạng xã hội có một cơ chế rất hay là AI sẽ dựa vào hành vi của bạn muốn gì mà nó sẽ tự động đưa content (trong nhóm follow của bạn) một cách phù hợp. Vậy nên, nếu bạn follow rất nhiều page gái xinh thì cái hiển thị lên newsfeed của bạn sẽ là những cô gái xinh nhất. Nếu bạn follow các bài viết về marketing thì newsfeed sẽ hiển thị những bài viết về marketing hay nhất. Quan trọng là bạn muốn “thấy” gì?

Một điều thú vị là newsfeed của Facebook là thứ hữu hạn và gần như cố định. Vậy nên, mình càng follow được nhiều thì càng dễ có những nội dung chất lượng. Hãy tưởng tượng nếu mỗi ngày news feed của bạn chỉ có 10 bài và bạn đang follow 100 chuyên gia. Vậy, mỗi ngày, 100 chuyên gia đó sẽ phải “đấu tranh” để đưa 10 bài viết hay nhất cho bạn. Còn nếu bạn follow 10.000 chuyên gia thì, mỗi ngày, 10.000 chuyên gia chả phải “đánh nhau” sứt đầu mẻ trán cũng chỉ để “cúng” 10 bài viết hay nhất cho bạn. Còn gì tuyệt vời hơn nữa phải không nào? Chính vì cơ chế này mình đưa mạng xã hội vào dạng “thông tin chiều sâu.

Tiếp theo là với các TRANG TIN TỨC – THÔNG TIN CHIỀU RỘNG

Nó ngược thế đấy! Người ta bảo MXH là toàn thứ nhảm nhí còn báo chính thống mới là những thứ chuyên sâu. Nhưng mình lại nghĩ ngược lại. Về cơ bản, bạn “không thể chọn” được thứ bạn sẽ xem trên các trang tin tức online, thậm chí là báo chí điện tử. Tôi muốn tích cực lắm nhưng đập vào mắt nào là cướp ngân hàng, nào là tai nạn container v.v… Bạn có thể không click vào nhưng lướt qua đọc cái title, xem cái hình ảnh thôi là thông tin nó đã hăm hở nhảy vào đầu rồi.

Vậy nên, cần chọn những báo uy tín. Mình đọc có 02 báo chính là Vnexpress và CafeF. Gần như mình đọc toàn bộ các bài viết trên 02 trang này trong các năm qua (trừ mục “Hẹn hò” của Vnexpress :)))

Cuối cùng là SÁCH – NHỮNG HỆ TƯ TƯỞNG CHUYÊN SÂU

Mỗi cuốn sách hay là một hệ tư tưởng chuyên sâu. Vài trăm trang chỉ nói về một dạng vấn đề/câu chuyện.

Nếu thông tin trên mạng xã hội hay tin tức online khác là dạng thông tin “hạng nhẹ”, sẽ thay đổi mindset của bạn dần dần thì đọc sách sẽ là thông tin “hạng nặng”, khiến tốc độ thay đổi mindset nhanh hơn. Vậy nên, khi chọn sách để đọc, mình cũng rất thận trọng. Tốt nhất là đọc dưới dạng “sách là người tư vấn”, chứ không nên đọc dưới dạng “sách là người thầy”. Bất kỳ kiến thức, hệ tư tưởng nào cũng cần đi với một bối cảnh phù hợp. Những câu chuyện vẫn hay và thú vị như vậy nhưng chưa chắc đã hoàn toàn phù hợp với bạn. Chúng ta sẽ cần thời gian để điều chỉnh các kiến thức/mindset đó sao cho phù hợp với bản thân. Vội vã hấp thu thì chỉ một kết cục là dẫn đến tình trạng ngộ chữ. Mấy ông doanh nghiệp ngoài kia hay gặp lắm, kiểu đọc sách nói ABC thấy hay quá, hiệu quả (trên giấy) quá là ngày mai rần rần đi làm ABC luôn mà chưa kịp điều chỉnh gì cho phù hợp. Rồi sau cứ loay hoay không hiểu tại sao Google nó áp dụng OKR thì O.K lắm mà mình áp dụng OKR lại toàn thấy K.O.

2. Chuyển qua TRẢI NGHIỆM VỚI MỤC ĐÍCH GIẢI TRÍ

Uh thì đâu phải lúc nào cũng cắm mặt đi tìm hiểu cái này cái kia phải không? Cuộc sống vốn dĩ cần balance nên hãy dành cho mình một khoảng để trải nghiệm với mục đích giải trí. Tỷ lệ 3-7, 4-6 hay 5-5 thì bạn thấy sao phù hợp là được nhỉ!

Có một thứ mình phát hiện thấy rất hay ở trải nghiệm giải trí. Đó là khi nền trải nghiệm của bạn “giàu” lên và đa dạng hơn thì:

Một là bạn sẽ thấy việc học tập nó cũng vui như giải trí -> Bạn sẽ có xu hướng học tập nhiều hơn do bạn thấy vui vẻ vì điều đó.

Hai là chính trong những thứ giải trí thì bạn cũng sẽ rút ra được một điều gì đó cho học tập.

Vậy nên, hãy cứ set cho mình một mục tiêu nhẹ nhàng từ ban đầu, mọi thứ dần sẽ biến chuyển tốt hơn.

Một kết luận nhẹ trước khi dừng là: Hãy khoan đọc sách! Việc trước mắt, ngay và luôn, là hãy “Cải tạo” lại toàn bộ newsfeed trên Facebook, Youtube vì đó là thứ mình tin chắc là các bạn sẽ tiếp xúc nhiều nhất mỗi ngày. Hiệu quả sẽ không thấy được ngay đâu nhưng một thời gian sau các bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của bản thân. Mình có hàng nghìn nhà tư vấn tranh nhau dạy free cho mình mỗi ngày, không giỏi lên sao được!

Còn bạn? Cách thức bạn thu thập trải nghiệm thế nào? Comment chia sẻ cho mọi người nhé, trải nghiệm trao trải nghiệm là trải nghiệm nhân đôi 😉

Anh chuyên viên
Thanh Hóa – 29/03/2021

Nhập chủ đề bạn muốn đọc trong các bài viết tiếp theo tại đây.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s