
Cá nhân tôi khá dị ứng với từ “Sáng tạo” hay chính xác hơn là “Creativity”, dù là DLS có làm về thiết kế và hàng năm chúng tôi làm ra tỷ thứ sản phẩm này nọ kia. Nhưng phải thú thật với các bạn là chúng tôi chẳng thực sự tạo ra cái gì. Tất cả ý tưởng đều được “bế” từ đâu đó về. Chúng tôi gần như chưa bao giờ là người khởi đầu cho một thứ gì đó. Việc của chúng tôi chỉ là mang về một thứ gì đó và làm nó tốt hơn đối thủ.
1. TỪ CHUYỆN CON RỒNG ĐẾN PINKFONG VÀ BABYSHARK
Thử nhìn các sản phẩm “sáng tạo” từ xưa đến nay để nhìn thấy sự tài tình trong “lắp ghép”. Ví dụ như Rồng, một sản phẩm sáng tạo từ lâu lẩu lầu lâu của ông cha xưa. Tính ứng dụng của nó có thể làm cho toàn bộ các nhà sáng tạo trên thế giới khóc thét lên sau đó cạn hết nước mắt vì quá xấu hổ. Vài ngàn năm nay, kể cả đến thời hiện đại, Rồng “vẫy vùng” từ chính trị, đến văn hóa, qua văn học, kiến trúc, điện ảnh v.v… Trên khắp cõi Á Châu, thật khó có một ngày bình thường mà không thấy hình ảnh của “Rồng”, hiện diện từ đình chùa miếu mạo, tranh ảnh phông bạt, từ nhẫn tới vòng cho tới áo thun cotton cho tới Hunter của Bitis…
Vừa vĩ đại lại vừa thân quen thế nhưng người ta đã tạo ra “Rồng” như thế nào?

Vậy đấy, một huyền thoại hóa ra cũng là một bản remix thú vị đến không ngờ! Đấy là Rồng, rồi tiếp theo là Kỳ Lân (Châu Á) được định nghĩa là “Đầu rồng, thân thú” -> lại tiếp tục một bản remix của remix. Rồi tiếp theo Tỳ Hưu khá nổi tiếng trong “Long sinh cửu tử” cũng được mô tả là: đầu lân thân gấu, toàn thân được bao bọc bới lớp vẩy như rồng, trên đầu có sừng, lưng có cánh. Vậy đấy, nó lại là remix của remix của remix.
Nếu bạn cho rằng nói chuyện Rồng Lân nghe nó “âm lịch” xa xôi, giờ này Sáng tạo đã đưa hẳn vào trường lớp nên nó xịn sò hơn nhiều, thì chúng ta sẽ xem thế giới hiện đại nghĩ thế nào về “Sáng tạo” nhé!
Hãy nhìn những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới:

Steve Job – một người được thế giới công nhận là tượng đài về “Sáng tạo” định nghĩa: “Sáng tạo chỉ là kết nối mọi thứ với nhau”. Giới hoạ sỹ nói riêng, giới nghệ thuật nói chung tuy luôn được coi là “trùm sò sáng tạo” nhưng chính đại danh hoạ Picasso lại có câu nói nổi tiếng: “Good artists copy – Great artists steal”.
Ồ vậy những sản phẩm, những tác giả, những công ty mà đang lẽ phải đi đầu trong “Sáng tạo” hóa ra họ cũng không “Sáng tạo” như chúng ta nghĩ.
Tiếp theo chúng ta hãy cùng nhau nhìn một trong những case mà mình nghĩ là thành công nhất ở hiện đại về sáng tạo: Baby Shark – Video nhiều view nhất lịch sử Youtube.

Đã bao giờ bạn tự hỏi Baby Shark được tạo ra như thế nào chưa? Làm sao Pinkfong có thể làm ra một video hay đến như vậy? Hãy tham khảo “hành trình sáng tạo” của Baby Shark tại đây.
Bản chất thì Pinkfong không phải người “tạo ra” Baby shark phiên bản đầu tiên. Baby Shark vốn là một bài hát dân gian dành cho thiếu nhi dạng “Ve vẻ vè ve” của Việt nam, thậm chí Pinkfong cũng không phải người đầu tiên đưa Baby Shark lên Internet. Họ chỉ là là người remix, hay nói đúng hơn là cải tiến, rồi tiếp tục cải tiến phiên bản cải tiến của nó để đạt được những thành công vang dội mà chúng ta đã nhìn thấy như trên. Có khác hay chăng họ là NGƯỜI REMIX/CẢI TIẾN TỐT NHẤT trong tất cả “đồng tác giả” của Baby Shark mà thôi.
Chúng ta đều nhận thấy trên thế giới không có điều gì “thực sự mới”. Vậy nên, với tôi, “CREATIVITY – SÁNG TẠO” là thứ “trong truyền thuyết”, hiếm có khó tìm. Hầu hết những sản phẩm mà chúng ta đang nghĩ nó được “sáng tạo” ra, thì thực ra đều là sản phẩm của “INNOVATION – CẢI TIẾN”.
2. TRẢI NGHIỆM là ĐIỀU KIỆN CẦN CỦA CẢI TIẾN
“Tôi không thể biết về những thứ mà tôi không biết” – tôi đã viết như vậy trong bài trước về các tầng kiến thức. Và câu nói mà tôi ghét nhất trong sáng tạo là: “Think outside the box”. Sếp nào mà cứ lảm nhảm thần chú kiểu này nhân viên nó chỉ có khóc thét. Hô hào thế chả khác gì nói: “Mày nghĩ ra cái gì mày không biết xem nào :))” Bạn nào mà bị sếp nói câu đấy thì cứ gửi bài này cho sếp rồi bảo: “Sếp không thấy con rồng nó vĩ đại thế mà idea cũng “rất hộp” đấy à?!” :))
Hồi DLS làm văn phòng mới nhất ở Thanh Hóa, chúng tôi có thiết kế hình typo ngay chính giữa phòng họp là: “Think inside the box but make the bigger box”. (Rất tiếc là sau đó chúng tôi lắp một cái bảng che lại mất cái hình chứ không tôi chụp cho các bạn xem, designer thiết kế đẹp lắm! )
Vậy đấy, kiến thức, hay nói chính xác hơn là trải nghiệm, chính là yếu tố tiên quyết của CẢI TIẾN. Mà lưu ý là trải nghiệm này có thể đến từ bất kỳ điều gì nhé! Trải nghiệm càng đa dạng, càng phong phú thì càng bổ trợ mạnh cho cải tiến. Vậy nên, tôi luôn khuyến khích các bạn trong công ty học nhiều nhất có thể, học gì cũng được: Từ kỹ năng cứng như Facebook, Google đến mềm như Đàn, Hát. Tóm lại là thu thập trải nghiệm nhiều nhất có thể. Nhiều khi lười quá là ném cho cái account Master Class rồi lên đó thích học gì thì học! (Đợt rồi bị phản dame. Tụi nó học negotiation xong về bật tanh tách, deal lương deal benefits sắc quá trời!!!)
Vậy tóm lại, yếu tố tiên quyết của CẢI TIẾN là bạn phải thu thập nhiều trải nghiệm để mà soi sáng cái “vùng hư không” của mình. Hãy biến mình thành một miếng bọt biển, sẵn sàng hấp thụ kiến thức mọi lúc mọi nơi.
TRÊN THẾ GIỚI VỐN DĨ KHÔNG CÓ NGƯỜI GIỎI SÁNG TẠO, CHỈ CÓ NGƯỜI NHIỀU TRẢI NGHIỆM HƠN MÀ THÔI!
3. ĐỘNG LỰC là ĐIỀU KIỆN ĐỦ của cải tiến
Với tôi, điều kiện đủ cho cải tiến là “động lực”. Trong cuộc sống có quá nhiều thứ chúng ta biết là làm sẽ tốt hơn nhưng vẫn không làm, chẳng phải là do thiếu động lực hay sao?
Vậy làm sao để tăng động lực? Rõ ràng là tôi không ngại nhưng tôi cần một lý do phải không nào?
Có 03 dạng lý do tạo nền cho động lực, bao gồm:
ĐỘNG LỰC VỀ MẶT LOGIC: Tôi muốn làm, tôi biết rõ là tôi cần làm. Tôi làm vì nó tốt và đúng mục đích của tôi.
Nếu bạn muốn tham khảo thêm về mục đích/hiệu quả và công thức tính xin mời đọc về “Doing right things” trong category này.
ĐỘNG LỰC TỪ VIỆC CÓ SAI THÌ CŨNG KHÔNG SAO đến SAI LÀ ĐIỀU TẤT YẾU ĐỂ ĐÚNG:
Sợ sai là kẻ thù số 1 của cải tiến hay nói chính xác hơn chính vùng an toàn (Comfort Zone) của bạn là kẻ thù của cải tiến. Lý do hay được đưa ra: “Thôi mọi việc vấn ổn mà, thay đổi làm cái gì. Nhỡ may thất bại thì sao?”.
Vậy đấy, nỗi sợ thất bại dù ít hay nhiều luôn tồn tại trong mỗi con người. Chúng ta phải học cách HIỂU và VƯỢT QUÁ nó. Nên nhớ là HIỂU chứ không phải là CHE GIẤU/COI THƯỜNG NỖI SỢ của mình lại kiểu “Hãy tin vào một ngày mai tương sáng” thế lỡ “Ngày mai tối thui” bạn sẽ xử lý thế nào? Như một Shark nào đó có hướng dẫn Sale trên Youtube “Hãy tin rằng cuộc gọi tiếp theo bạn sẽ chốt được deal và lấy đó làm động lực!!!” Vậy nếu cuộc gọi tiếp theo không chốt được Deal thì sao nhỉ? Thứ bạn mất đi chính là niềm tin – mà mất niềm tin thì không mất tất cả đâu nhưng mà cũng mất kha khá đấy.
Cách đúng để deal với nỗi sợ là HIỂU RÕ NỖI SỢ. Ok, tôi biết chuyện cải tiến sáng tạo mà lần nào cũng có hiệu quả là điều không thể. Và tôi hiểu rằng với NĂNG LỰC, KIẾN THỨC mà tôi đang có thì tôi sẽ mất 10 lần thất bại mới có 01 lần thành công. Vậy tôi hiểu là mỗi lần thất bại là tôi đã đi thêm được 10% trên con đường thành công. Nếu 15 lần thất bại mà chưa có thành công thì tôi sẽ xem xét lại KIẾN THỨC và MỤC TIÊU của mình.
Nên nhớ là cải tiến – sáng tạo là một cuộc chạy marathon mà ngoài thể lực (Kiến thức) bạn cũng cần chuẩn bị tâm thế đúng nữa. Bạn không thể nào chạy như KM tiếp theo sẽ là vạch đích được, loại động lực đó chỉ duy trì cho bạn được một vài km mà không thể mang bạn đến cuối đường. Thẳng thắn với nỗi sợ, không tô hồng, không bôi đen nó là cách tốt nhất trên con đường cải tiến – sáng tạo.
Hãy nhìn nước Mỹ một đất nước nổi tiếng với sáng tạo và bạn có biết văn hóa nổi tiếng nhất của nước Mỹ là gì không? Đó là FREEDOM – TỰ DO, tôi được thoải mái làm những gì khác biệt mà tôi muốn (trong khuôn khổ) mà không hề sợ bị người khác phán xét. Cũng không dễ hiểu khi họ nổi tiếng về sự sáng tạo phải không nào.
ĐỘNG LỰC LỚN NHẤT CUỘC ĐỜI
Động lực lớn nhất trên đời này là “sợ chết”, thật đấy! (trong kinh doanh là phá sản ấy!).
Thiếu sự “sợ chết” cũng là lý do kinh điển cho sự quan liêu khi doanh nghiệp phát triển lớn. Tại sao có những doanh nghiệp lớn lại thấy ít đổi mới, cải tiến hơn doanh nghiệp bé? Có phải thật sự do họ quá lớn không? Chưa chắc! Hãy tự hỏi tại sao Apple lại phải có SamSung? Facebook lại phải có Google, Tiktok và tại sao các ông “siêu lớn” này vẫn cải tiến liên tục? Cũng là do sợ chết cả thôi!!
Hay như Coca Cola liệu không có Pepsi thì có trường tồn đến ngày hôm nay?
Sâu thẳm bên trong thì động lực lớn nhất của mỗi cá thể hay pháp thể là “sợ chết”. Chả vậy mà mấy nay báo chí cứ hô hào khẩu hiệu: Nào là Đổi mới hay là chết? rồi Chuyển đổi số hay là chết?” vân vân và mây mây, nghe nó cũng có động lực để cải tiến hơn hẳn phải không nào. Muốn “rèn luyện” cảm xúc này thì mấy sếp bớt đọc mấy case thành công của Facebook, Apple, mà đọc nhiều hơn về mấy case thất bại của Nokia, Yahoo ấy, đảm bảo là động lực nhiều hơn hẳn luôn :))
Cứ không sợ chết, không cải tiến đi, để rồi xem…
Lại nhìn về case của Pinkfong, bạn sẽ thấy họ có đủ cả các loại động lực trong lần cải tiến thứ 2 của Babyshark: Sự sắc bén trong logic khi họ “sense” được tiềm năng của video cũ dựa trên những hiểu biết vốn có trong lĩnh vực công nghệ, kèm theo nỗi sợ sâu sắc về việc chuẩn bị phá sản .
Nhiều luồng ý kiến khác nhau về điều kiện đủ của cải tiến/sáng tạo. Ý kiến hay được đưa ra là ngoài điều kiện cần là “trải nghiệm” thì điều kiện đủ là “cách tư duy”. Tuy nhiên, với tôi “cách tư duy” về bản chất cũng là một thứ thuộc phạm trù KHÔNG THỂ TỰ NGHĨ RA, cũng vẫn là phải học được ở đâu đó, mix một vài thứ gì đó lại. Chung quy, cuối cùng, nó vẫn là trải nghiệm!
4. CẢI TIẾN LÀ MỘT ĐẠI HÀNH TRÌNH KHÔNG HỒI KẾT
DLS là một đơn vị đặc thù kinh doanh trong lĩnh vực POD (sáng tạo) mà không lấy “sáng tạo” làm giá trị cốt lõi. Châm ngôn của chúng tôi là: “First we clone and then we innovate”. Cải tiến, thay đổi, làm mình tốt hơn mỗi ngày với một tốc độ thật nhanh. Nhanh đến mức nếu những người theo dõi nó không đủ nhanh thì họ sẽ phải thốt lên là: “Wow, công ty này thật sáng tạo!”, dù (như đã nói), chúng tôi thật sự chẳng tạo ra thứ gì quá khủng khiếp. Bên trong DLS chỉ là hàng trăm, hàng nghìn cải tiến được thực hiện, mỗi ngày.
Điều tôi khâm phục nhất ở Pinkfong không phải việc họ làm ra được 1 video 8.5 tỷ views mà vì họ đã cải tiến Baby Shark những 02 lần. Lần đầu, họ đã biến 1 video 75k views thành 147 triệu views. Quả là một câu chuyện cổ tích phải không nào! Làm một phép so sánh với các MV của Sơn Tùng-MTP, thuộc dạng hot nhất Việt Nam, cũng dao động trong khoảng 100-200 triệu views thì bạn sẽ thấy 147 triệu views là một kết quả không hề tồi, nếu không muốn nói là cực kỳ thành công. Nhưng vì sao mà chính họ lại mang video 147tr views của mình ra remix một lần nữa, để nó trở thành video 8.5 tỷ views – nhiều người xem nhất trong lịch sử – một huyền thoại?
Vậy đó, nếu bạn là Pinkfong thì sau khi cải tiến được video 147tr view bạn sẽ tiếp tục làm gì? Bao nhiêu người sẽ dừng câu chuyện Baby Shark để tìm tiếp “Baby Dog, Baby Cat” và tiếp tục trong hành trình “biến cát thành vàng”?
Bao nhiêu người sẽ tiếp tục phát triển Baby Shark của mình lên như Pinkfong để “biến vàng thành kim cương”?
Mong rằng đọc hết bài bạn sẽ có sự lựa chọn của mình.
Còn với tôi, “cải tiến” là một đại hải trình mà có lẽ chúng ta không bao giờ đi đến đích. Cũng như ông cha ta nói “Sự học là việc cả đời” vậy.
Còn nếu đọc mãi mà không biết phải cải tiến thế nào thì có thể thử làm bi thuốc lào như tôi này, đảm bảo 100% là idea tuôn ra ào ào luôn
Câu hỏi kỳ này: Nếu bạn là Pinkfong thì liệu bạn có đầu tư thêm nguồn lực của mình để tiếp tục “remix” Babyshark 8.5 tỷ views thêm một lần nữa không? Tại sao? Cùng thảo luận ở comment nhé!
Anh chuyên viên
Thanh Hóa – 22/03/2020
Nhập chủ đề bạn muốn đọc trong các bài viết tiếp theo tại đây.