Phần 02: Cách thức học và các tầng ý thức

I. CÁC TẦNG Ý THỨC

Khoảng vài năm gần đây bỗng dưng tôi lại … thích viết. Mới đầu là viết tài liệu cho nội bộ, sau là viết chia sẻ lên cộng đồng, gần đây là viết với đối tượng rộng hơn. Mỗi một giai đoạn viết thì có nhiều mục đích khác nhau nhưng tóm lại là thích viết.

Viết là cách cân bằng trải nghiệm đầu vào và đầu ra. Nếu coi việc thu thập kiến thức, thông tin là “học” thì việc viết cũng coi như một phần “hành”.

Vậy chữ ở đâu ra mà viết?

Chữ viết chính từ trong hiểu biết của mỗi con người mà ra. Với tôi hiểu biết chia thành 03 tầng:

Tầng ý thức: Là tầng hiểu biết hiện ra bên ngoài của mỗi con người. Tôi biết là 1+2 = 3 -> đây là ý thức là những thứ tôi nhận thức được rõ ràng là mình BIẾT.

Tầng tiềm thức/vô thức: Là tầng bên trong của hiểu biết. Đôi khi tôi lờ mờ cảm cảm thấy nhưng tôi không thể rõ nó là gì. Đôi khi các hành động, suy nghĩ của tôi bị chi phối bởi chính tôi nhưng tôi không biết tại sao. Ví dụ: Nhìn bạn A “có vẻ tốt”, còn tốt do đâu thì tôi cũng chưa rõ. Tôi thực sự không nói ra được những gì tôi biết, đây là tiềm thức/vô thức. Tầng này đôi khi hay được thần thánh hóa lên thành “trực giác”. Với phụ nữ họ gọi là “giác quan thứ 6”, với mấy ông kinh doanh là “Business Sense”. Nhưng chắc chắn không có cái gì gọi là giác quan thứ 6 cả, tất cả đều dựa trên một thông tin nào đó mà chúng ta đã thu thập được trong quá khứ, chỉ có điều nó chưa được hệ thống hóa một cách rõ ràng để trồi từ tầng vô thức lên tầng ý thức mà thôi.

Tầng hư không: Là tầng nằm ngoài sự hiểu biết cả ý thức và vô thức. Bạn biết về “sự vướng víu giữa các hạt trong vật lý lượng tử chứ?” Ồ tôi thậm chí còn chưa nghe về vật lý lượng tử bao giờ -> Tôi chắc chắn sẽ không biết những gì tôi không biết -> tầng hư không.

II. HỌC TẬP

Mục đích tận cùng của việc học là tôi biết một thứ gì đó và có thể áp dụng nó trong cuộc sống, right?

Vậy chúng ta sẽ chia việc học theo các tầng ý thức bằng 05 cấp độ:

  1. Bổ sung kiến thức cho tầng tiềm thức từ tầng hư không.
  2. Lôi kiến thức từ tầng tiềm thức vào tầng ý thức.
  3. Đưa các kiến thức từ tầng ý thức vào thực hành.
  4. Từ thực hành biến kiến thức thành kỹ năng.
  5. Thực hành kỹ năng nhiều rồi biến kỹ năng từ tầng ý thức về tầng vô thức.

Cấp độ 1: Bổ sung kiến thức cho tầng tiềm thức từ tầng hư không

Rõ ràng chúng ta không thể biết những gì chúng ta không biết, thậm chí chúng ta còn không biết đến sự tồn tại của nó để quyết định tìm hiểu về chúng. Vậy nên chỉ có một cách là thu thập nhiều “thông tin” về các vấn đề “ngẫu nhiên” một cách nhiều nhất có thể. Ngẫu nhiên vì thực sự tôi không thể có chủ đích cho một thứ gì đó mà tôi còn không biết đến sự tồn tại của nó.

Cấp độ 2: Lôi kiến thức từ tầng tiềm thức vào tầng ý thức

Phương pháp tự đặt câu hỏi: Giá trị với tầng này nhất là các “câu hỏi”. Như ví dụ bên trên “anh A có vẻ tốt” vậy hãy đặt ra các câu hỏi: Anh A tốt ở điểm nào? Anh A có điểm gì khác với những người khác mà lại thấy anh A tốt hơn họ? Có phải anh A nhìn đẹp trai nên thấy tốt không? Có phải anh A hút thuốc lào nên cảm nhận anh ấy là người tốt?

Phương pháp viết: Bạn có thể viết ra theo dạng 05 điều tốt về anh A. Viết là một phương pháp cho phép bạn có thể điều chỉnh tốc độ, chỉnh sửa luồng suy nghĩ của mình một cách hợp lý nhất. Và nó thực sự là một biện pháp hữu hiệu trong việc hiểu rõ vấn đề.

Phương pháp thảo luận: Hãy mang vấn đề của bạn ra thảo luận, để những người khác cùng đặt câu hỏi và đưa ý kiến của họ. Điều này vừa giúp chúng ta hiểu rõ hơn vấn đề của chính mình (thông qua câu hỏi của người khác) vừa giúp chúng ta thu thập được thêm nhiều kiến thức (mà có thể nằm trong tầng hư không của chính mình).

Phương pháp dạy: Teaching is the best way to learn. Dạy/chỉ cho một người nào đó là cách tốt nhất để hoàn thiện tự duy. Áp lực của việc phải giải thích một vấn đề gì đó cho người khác sẽ giúp bạn cô đọng lại các kiến thức của mình một cách tuyệt vời nhất. Cũng như nếu bạn cũng viết nhưng là viết dạng nhật ký thì tác dụng của nó sẽ yếu hơn rất nhiều, do thiếu mất “đối tượng” để giải thích, để tạo áp lực cho bạn. Đối tượng càng rộng, càng sâu sắc thì áp lực cho bản thân bạn càng lớn.

Đỉnh cao nhất của phương pháp dạy là: Dạy cho một đứa trẻ, bạn phải thực sự hiểu rõ vấn đề mới có thể làm được điều đó, để làm được điều này bạn phải ở Cấp độ 5. Tôi thật sự hâm mộ Steven Hawking khi ông ấy viết về những kiến thức thiên văn trong quyển “Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ” cho những đối tượng không khác đứa trẻ là bao nhiêu (như tôi) một cách thật dễ hiểu. Mong rằng đến một ngày tôi cũng có thể chia sẻ các kiến thức của mình cho các bạn một cách dễ hiểu như vậy.

Cấp độ 3: Đưa kiến thức vào thực hành

Có học mà không có hành thì cũng vậy. Cái cốt lõi của việc học là ở hữu dụng vậy nên hãy cố gắng áp dụng kiến thức của mình vào thực tế nhiều nhất có thể, điều đó thực sự tạo ra sức mạnh của bạn. 

Cấp độ 4: Biến thực hành thành kỹ năng

Một số thứ như: Nguyên tắc 21 ngày để hình thành thói quen hay Nguyên tắc 10.000 giờ để trở thành chuyên gia. Không gì nằm ngoài việc luyện tập kiến thức đó để trở thành SKILL.

Cấp độ 5: Biến kỹ năng thành bản năng

Bruce Lee đã nói: Tôi không sợ kẻ tập 10.000 cú đá một lần, tôi chỉ sợ kẻ tập một cú đá 10.000 lần. Nếu từ Cấp độ 2 đến Cấp độ 4 chúng ta học cách để lôi kỹ thuật đá từ tầng tiềm thức lên tầng ý thức rồi sau đó thực hành tạo ra kỹ năng. Thì Cấp độ 5 là tầng bản năng, khi tung một cú đá bạn sẽ không còn phải nghĩ đá như thế nào. Thuần thục như hơi thở, có ai trong chúng ta phải nghĩ sẽ thở như thế nào? Sẽ không, thậm chí phần lớn thời gian chúng ta còn quên luôn việc thở vì thở đã trở thành bản năng. Bản năng thì quay về tầng vô thức.

Kết bài với mô hình tương quan giữa các tầng ý thức, kỹ năng, bản năng. Mong rằng qua bài viết sẽ giúp các bạn có thêm trải nghiệm nhằm tăng nhanh gia tốc học của bản thân.

Anh chuyên viên
Thanh Hóa – 07/03/2021

Nhập chủ đề bạn muốn đọc trong các bài viết tiếp theo tại đây.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s