PHẦN 07: ĐẦU TƯ, ĐẦU CƠ VÀ ĐÁNH BẠC

1. ĐẦU TƯ VÀ ĐẦU CƠ

Đầu tư và đầu cơ đều giống nhau ở điểm là chúng ta bỏ vào một giá trị nào đó (value) và mong nhận lại một giá trị lớn hơn trong tương lai. Giá trị này có thể hiểu một cách rộng là không chỉ bao gồm tiền mà còn là thời gian, công sức, tâm tư, tình cảm v.v…

Điểm khác nhau của đầu tư và đầu cơ là đầu tư thì quan tâm nhiều đến GIÁ TRỊ (VALUE) còn đầu cơ quan tâm nhiều đến GIÁ CẢ (PRICE).

Giá trị là cốt lõi của giá cả. Giá cả sẽ luôn có xu hướng đi theo giá trị (cái mà người ta hay gọi là quá trình quay về giá trị thực) tuy nhiên sự cân bằng không phải là tức thì.

Nhà đầu tư thì cố gắng kiếm tiền từ chênh lệch giữa giá cả và giá trị. Còn nhà đầu cơ thì kiếm lợi nhuận từ việc mua vào với một giá cả và mong muốn bán lại với một giá cả cao hơn bất chấp giá trị thực của sản phẩm.

Ranh giới giữa đầu tư và đầu cơ đôi khi khá mong manh như trường hợp BĐS trong thời gian vừa qua. Bản chất BĐS là sản phẩm có giá trị thực (ở, kinh doanh, cho thuê) nhưng khi vào giai đoạn quá nóng mọi người thường quan tâm đến giá cả của nó hơn là giá trị. Đây là giai đoạn chuyển đổi từ đầu tư sang đầu cơ.

Một nhà đầu tư mua một mảnh đất vì họ nghĩ sau này mảnh đất đó có giá trị cho việc khai thác (dù họ có phải là người khai thác hay không) từ việc khai thác đó sẽ sinh ra dòng tiền và làm gia tăng giá trị của mảnh đất thì đó là đầu tư.

Một nhà đầu tư mua một mảnh đất vì họ nghĩ họ sẽ bán lại được với giá cao hơn thì đó là đầu cơ.

Việc đầu cơ vốn dĩ không xấu, chỉ có điều đầu cơ khó hơn đầu tư rất nhiều (ít nhất là với những con cá bé). Hãy cứ nhìn trên thế giới đa phần những tỷ phú đến từ đầu tư chứ không phải đầu cơ. Đầu cơ là một game hardcore mà không dành cho các tay mơ.

Hiểu được chúng ta đang trong game đầu tư, đầu cơ hay đánh bạc là yếu tố cơ bản để giúp chúng ta sống sót trên thị trường. Nếu ngay cả việc đang chơi game gì mà còn hiểu sai thì khả năng rất cao bạn sẽ thành “fish” chỉ nằm chờ các “shark” thịt là rất cao.

2. ZERO-SUM GAME VÀ ĐÁNH BẠC

Zero-sum game (ZSG) được hiểu là một hệ mà tổng lãi lỗ trong cả hệ thống luôn bằng 0. Giống như việc bạn có 04 người cùng đánh bài thì tổng tiền lãi lỗ luôn bằng 0 (trừ trường hợp chiếc chiếu ma thuật nhé). Hiểu đơn giản là trong hệ thống ZSG thuần khiết (không có phế từ nhà cái) thì tiền chỉ được chuyển từ túi người này sang người khác. Lợi nhuận của người này là thua lỗ của người khác và ngược lại.

Một ví dụ đầu tiên là các game xèng ở các quán game/trung tâm thương mại. Chúng ta hiểu là tiền chỉ được chuyển từ người chơi đến nhà cái hoặc ngược lại, phải không? Mà đơn giản là tôi đã bỏ tiền ra mua cái máy để đặt ở đó thì về lâu dài tôi sẽ phải có lợi nhuận chứ? Vậy lợi nhuận đó từ đâu ra? Chính từ sự thua lỗ của các người chơi.

Hồi sang bên Singapore tôi rất thích vào Casino chơi, vào đấy rồi lại thích chơi trò Roulette vì nó “nhanh” dễ chơi, nhìn tận mắt nên mang lại cảm giác khá phấn khích. Trò Roulette bên đó thì có 38 ô chia thành 00, 0, 01, 02 ….36, nếu đặt trúng thì 1 ăn 35, nghe qua thì cũng có vẻ khá fair nhỉ. Tính kỹ 1 chút thì tỷ lệ ăn của bạn ở đây là 1/38 và bạn ăn được x35, phần “phí” của nhà cái lấy sẽ là (38-35)/38 ~ 8% mỗi ván chơi, nghe cũng không phải quá nhiều nếu so với lô đề khi mà bạn mất đến 20-30% cho mỗi ván nhỉ. Nhưng cách tính trên đã quên mất một điểm quan trọng là lô đề bạn chỉ chơi được tối đa 1 lần/ngày còn Roulette bạn chỉ mất 5ph mỗi ván. Vậy nên biên lợi nhuận của mỗi máy khi có người chơi là 8% tiền cược/ 5 phút (OMG), đó quả là một tỷ lệ khiến cho tất cả các ngành kinh doanh khác phải khóc thét. 8% mỗi 5 phút thì có làm lô đề, tín dụng xanh, tín dụng đỏ hay kể cả buôn ma túy cũng phải ngả mũ mà xin thua.

Với tỷ lệ khủng khiếp như vậy thì tôi tin nhà cái chả phải gian lận làm gì, họ chỉ việc kinh doanh đúng và rung đùi đợi tiền vào túi thôi.

Vậy tiền đó ở đâu ra?

Rõ ràng là một hệ ZSG thì tiền đó đến từ các player chứ ở đâu ra. Trong một chiếu bạc mà có một bên siêu lợi nhuận thì rõ ràng sẽ có các bên “thua lỗ” phải không nào?

Thị trường giờ rất nhiều “phương thức kiếm tiền” dạng Binary Option (BO) hay “hàng hóa phái sinh – CFD hay Forex nơi mà “nhà đầu tư” kiếm tiền từ việc dự đoán thị trường lên (xanh) hay xuống (đỏ). Nhìn các game xanh/đỏ này không biết các bạn thấy có quen mắt không? Đúng đấy, chính là cái game xèng chơi ở trung tâm thương mại hay các quán game hồi bé đấy, mỗi điều là quy mô lớn hơn kèm theo việc khoác bên ngoài các lớp áo bóng bẩy như “đầu tư tài chính” mà thôi. Trước khi tham gia vào các game này bạn hãy trả lời cho tôi vị thế của bạn là gì? Là Game Master, là Shark hay Fish? Nếu không trả lời được thì theo tôi, bạn nên để khoản tiền đấy làm con lô cho nó vui vẻ lành mạnh (mà có khi lại xanh chín hơn).

3. BITCOIN VÀ CÂU CHUYỆN BƠM THỔI

Bitcoin và đa phần các cryptocurrency hiện nay đều là một quả bong bóng khổng lồ. Nếu nhìn kỹ đến câu chuyện “GIÁ TRỊ” của Bitcoin ở đây là gì? Là tính “minh bạch” và “phi tập trung”. Nhưng rõ ràng thời kỳ chúng ta đang sống là thời kỳ của “minh bạch vừa đủ” và “tập trung”. Việc một đồng tiền không chịu quản lý của bất kỳ một chính phủ nào trở thành phương thức thanh toán mới là một điều không thể do bản chất thế giới vẫn được vận hành bởi các chính phủ và tiền tệ là một công cụ chính để thể các nước kiểm soát chính trị của mình.

Tìm hiểu về các chế độ tiền tệ từ xưa đến nay như “Bản vị vàng”, “Bản vị dầu mỏ” chúng ta sẽ thấy những nước như Mỹ đang hành xử như thế nào để giữ vị thế của USD. Bất kỳ một quốc gia hay một người nào dù có là tổng thống Mỹ đi nữa đều phải trả giá nếu muốn lật đổ vị thế của đồng USD. Vậy nên dù blockchain hay cryptocurrency có là công nghệ thống trị tương lai đi nữa thì vị trí đồng tiền thanh toán sẽ chỉ có thể là USD Coin, RMB (Nhân dân tệ) Coin, Ruple Coin chứ không thể là Bitcoin hay Ethereum được đâu.

Mà đã không có giá trị thì BITCOIN CHỈ LÀ MỘT GAME ĐẦU CƠ.

Mà game đầu cơ thì loanh quanh nó vẫn là câu chuyện bơm thổi rồi tiền chuyển từ túi người này sang túi người kia. Lẽ dĩ nhiên người giàu nhất hiện nay vẫn là các “nhà cái” như sàn CoinBase rồi Binance và tiếp theo là các “cá mập” những thế lực với danh tiếng, kiến thức và quyền lực. Họ cầm hàng tỷ đô vào quẩy ở thị trường và đa phần lần nào cũng mang về một giỏ đầy tôm cá. Các sàn và các cá mập vẫn ăn đều đều mỗi năm và tiền đấy ở đâu ra? Kỳ rồi anh Elon Musk cũng kiếm kha khá từ Bitcoin đấy, tiền ở đâu ra? Từ vũ trụ gửi xuống đấy 😃.

Nói về ĐẦU CƠ thì điểm quan trọng nhất là RÚT ĐÚNG LÚC, ôi thì tất cả rắc rối cuộc đời đều đến từ việc RÚT KHÔNG KỊP mà ra. Vậy đâu là điểm để tôi biết là “kịp lúc”? Cái này sẽ tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi người – cái mà giới trader hay gọi là “gồng”, gồng lãi hoặc gồng lỗ. Tôi mua bitcoin từ lúc 1k$ và tôi đã không bán lúc 20k$ (x20) vậy lý do gì tôi lại bán bitcoin lúc 60k$ (x60)? Điểm này thường được trả lời bởi các kỳ vọng của người chơi vào thị trường, nhưng kỳ vọng mà không có thông tin thì là “hên xui”, vì khi không có thông tin thì câu chuyện ngày mai lên hay xuống sẽ là 50/50.

Có một điểm chung của câu chuyện bơm thổi là các cá mập sẽ đẩy sự hưng phấn của thị trường lên mức cao nhất để tối đa hóa lợi nhuận cũng như thoát hàng, vậy nên sự hưng phấn của thị trường là một dấu hiệu để tìm điểm thoát lệnh (exit-point). Nhớ câu nói của cụ Warren Buffet “Hãy sợ hãi khi tất cả mọi người đang tham lam”.

4. ĐẦU TƯ

Đầu tư là game giá trị vậy nên hãy quan tâm giá là đắt hay rẻ chứ không phải cao hay thấp. Một sản phẩm rẻ – undervalued là một sản phẩm đang được định giá thấp hơn giá trị. Một sản phẩm đắt – overvalued là sản phẩm được định giá cao hơn giá trị thật.

Ví dụ: Đi học một khóa học giá 10k$ mà giúp chúng ta có thể kiếm được 100k$ thì đó là khóa học rẻ. Đi học một khóa hết 100$ mà không giúp gì cho chúng ta thì là đắt.

Điểm thú vị ở đây là mỗi sản phẩm đều sẽ được “định giá” theo các THÔNG TIN MÀ THỊ TRƯỜNG CÓ ĐƯỢC . Như một công ty liên tục kinh doanh tốt qua nhiều năm thì tôi hiểu đó là một công ty tốt và ổn định, tuy nhiên điều đó chắc chắn đã phản ánh vào “giá” của sản phẩm và không thực sự có nhiều giá trị tham chiếu giúp chúng ta tìm hiểu về khoảng cách giữa giá trị và giá cả sản phẩm.

Vậy nên điểm cốt lõi của đầu tư là

CHÚNG TA THẤY ĐƯỢC LỢI THẾ/NHƯỢC ĐIỂM NÀO CỦA SẢN PHẨM MÀ THỊ TRƯỜNG KHÔNG THẤY.

Đây là cốt lõi, là điểm lấy tiền của chúng ta trong game đầu tư. Hãy nhớ là góc nhìn của đa số thì đều được phản ánh vào giá sản phẩm, chúng ta có góc nhìn nào khác mà đa số không nhìn thấy để kiếm lợi ở đây không? Đa phần người ta thua lỗ vì đầu tư theo “phong trào” tôi mua vì người khác cũng mua -> điều đó đẩy những nhà đầu tư vào vị thế yếu nhất thị trường. Vị thế yếu nhất là những người khi thị trường lên thì ăn được ít nhất và thị trường xuống thì sẽ lỗ nhiều nhất. Càng có nhiều thông tin (mà đa số không biết), nguồn lực (mà đa số không có), khả năng điều khiển cuộc chơi (mà đa số không làm được) thì chúng ta càng nâng được tỷ lệ thành công trong game đấu.

Ví dụ về một case đầu tư của tôi trong năm 2020 là chứng khoán VIB. Tôi thích VIB không phải vì tôi là cựu nhân viên mà tôi thích vì:

– VIB là một ngân hàng rất an toàn, không phải là sân sau cho một Big-Corp nào đó (như ngân hàng T) -> điều này mang lại sự ổn định và an toàn lớn cho các NDT -> điểm này tôi nghĩ sẽ có những NDT nhìn ra được, tôi coi nó là lợi thế vừa vừa.

– VIB cực mạnh về nền tảng công nghệ, điều này cứ nhìn sản phẩm cuối của họ. Tôi đã dùng App của VIB và tôi thấy thời gian sử dụng 01 giao dịch của VIB là ngắn nhất so với các app khác -> đây là điểm lợi thế mà tôi nghĩ ít người nhìn thấy, nhất là trong giai đoạn Covid thúc đẩy chuyển đổi số tôi coi đó là lợi thế lớn.

Bỏ qua câu chuyện đơn vị nào đó chém về tiên phong công nghệ, rồi nào là AI rồi Bigdata hay IOT thì tôi cứ nhìn vào sản phẩm của họ, nó có nhanh nó có dễ dùng không? Với tôi đó là điểm cốt lõi.

Tất nhiên bên trong còn nhiều thông tin mà tôi không biết lắm, vậy nên tôi cũng chỉ kiếm được một chút lợi nhuận ở đây (hay ít ra là không mất tiền).

Chốt lại câu chuyện đầu tư chỉ là câu chuyện chúng ta cần nhìn ra được những lợi thế, bất lợi của sản phẩm mà NGƯỜI KHÁC KHÔNG THẤY hay NGƯỜI KHÁC ÍT THẤY. Điều này phụ thuộc rất lớn vào khối lượng thông tin mà bạn có và cách bạn xử lý những thông tin đó (tôi hay gọi là nẩy số). Có càng nhiều thông tin và xử lý được tốt thông tin đó sẽ giúp bạn tìm được điểm vào lệnh (entry-point) hợp lý. Điểm vào lệnh hợp lý sẽ giúp bạn có một vị thế tốt, và khi có vị thế tốt thì khả năng đầu tư thành công của bạn tăng lên rất nhiều.

(Note: Tôi đã exit VIB và không khuyến nghị việc mua bán vào thời điểm này chỉ đưa ra làm ví dụ cho các bạn dễ hiểu thôi).

5. CHƠI VỚI NHÀ CÁI – CÀNG CỰA CÀNG ĐAU

Kể cả với game đầu tư, đầu cơ hay đánh bạc thì luôn luôn có các “CÒ” tồn tại họ kiếm lãi từ các giao dịch của thị trường. Từ các cá nhân như “cò” BĐS hay tổ chức như các sàn giao dịch Coin, Chứng khoán v.v… Họ luôn sẵn sàng xẻo một khúc (phí) của bạn khi bạn thực hiện giao dịch, đó là điều hoàn toàn chính đáng và họ chỉ đang thực hiện business của mình. Tuy nhiên hiểu như vậy để tránh “cựa quậy” quá nhiều. Càng cố gắng thực hiện nhiều giao dịch thì chúng ta càng bị xẻo nhiều mà thôi.

Vậy nên hãy xác định điểm vào lệnh, ra lệnh hợp lý và chỉ thực hiện giao dịch khi nào bạn mong muốn vào hoặc ra với một khoản đầu tư. Tất cả các lệnh muốn đánh bại thị trường trong ngắn hạn dạng như lời rồi thoát ra và chờ hôm sau giá giảm lại mua vào đều sẽ mang lại thất bại. Nên nhớ ở một chừng mực nào đó thị trường vẫn là Zero-sum game và thứ tự ƯU TIÊN cho chiến thắng vẫn là Nhà cái -> Cá mập -> Cá con. Hạn chế chơi quá nhiều ván là cách duy nhất để bạn “giảm thiểu” sự mất mát ở đoạn này.

Tôi đã mua bitcoin từ lúc 2k5$ rồi tôi có một bài học với một cái trade history 50 trang và rồi cuối cùng tôi exit lúc 30k$ đáng lẽ tôi cũng phải x10 rồi nhưng thực sự tôi đã lỗ ⅔ số tiền mà gần như là cả gia sản của tôi lúc đó.

Hay như câu chuyện vui về một anh bán mảnh đất 1 tỷ VND đi Ukraina lập nghiệp, sau 20 năm để ra được hơn 20 tỷ ~ 1 triệu $ về đến nhà thì mảnh đất năm xưa đã là 2 triệu $. Chuyện cũng vui thôi nhưng cũng có nhiều điều suy nghĩ phải không nào?

6. KẾT

Hãy nhớ các Mr. Game, Mr. App, Mr. Market có sứ mệnh được tạo ra là để tạo thêm của cải và giá trị cho những kẻ đang thao túng chúng. Các sản phẩm này làm ra không phải để phân chia quyền lực, của cải của người giàu cho người nghèo, của người có tiền cho người không có tiền, của người nhiều thông tin cho kẻ ít thông tin.

Vậy nên cách duy nhất để sống sót ở thị trường là làm cho mình trở nên mạnh mẽ hơn, tỉnh táo hơn và có nhiều thông tin hơn người khác.

Đầu tư, đầu cơ, đánh bạc là những thứ mà dù muốn hay không chúng ta vẫn thực hiện nó mỗi ngày. Hiểu được game đấu, hiểu được chính mình là hai yếu tố quan trọng nhất để chúng ta có chiến lực phù hợp nhằm nâng cao tỷ lệ thành công. Mong rằng bài viết này có thể góp phần cho các bạn phần nào nâng cao win rate của mình lên.

Thời gian tới tôi vẫn tuyển dụng 01 vị trí Trợ lý đầu tư, nếu bạn cảm thấy phù hợp về mặt mindset đầu tư và muốn có những thử thách thú vị hơn trong thời gian tới thì apply ngay tại đây nhé. Ưu tiên tại Thanh Hóa và các bạn theo khối bank nhé: https://recruitment.dlsinc.com/…/ceo-assistant…

Đầu cơ, đầu tư hay thậm chí là đánh bạc với bạn tôi cân tất!

Anh chuyên viên

Thanh Hóa – 02/05/2021

Nhập chủ đề bạn muốn đọc trong các bài viết tiếp theo tại đây.

Một bình luận

  1. Tại sao anh lại nói là “Tất cả các lệnh muốn đánh bại thị trường trong ngắn hạn dạng như lời rồi thoát ra và chờ hôm sau giá giảm lại mua vào đều sẽ mang lại thất bại ” là sao vậy ạ? Em chưa hiểu đoạn này lắm. Ví dụ mình có thể có lời mỏng trong việc trading bằng việc chốt lời và stoploss đúng mực để bảo vệ tài khoản của mình ạ.Em mong anh giải thích cho em đoạn này. Em cảm ơn anh

    Đã thích bởi 1 người

    1. Bản chất con người chúng ta hành xử theo thông tin và niềm tin (thực chất cũng là thông tin trong quá khứ). Tại sao hôm qua bạn là người quyết định mua mặt hàng X và chính là bạn hôm nay cũng quyết định bán mặt hàng X đi? Vậy rõ ràng phải có sự thay đổi về thông tin thôi thúc chúng ta ra quyết định đó. Ví dụ: Tôi nghe một tin xấu về mặt hàng X, tôi thấy giá mặt hàng X giảm xuống quá nhiều.

      Nếu đã xác định nguyên nhân đến từ thông tin hãy xem xét luồng đi của thông tin: Người tạo ra thông tin (kẻ thao túng thị trường) -> Những người gần với kẻ tạo ra thông tin -> Những kẻ thạo tin -> Players/đại chúng. Giờ hãy lấy một ví dụ về có một tin xấu đến Bitcoin: Kẻ tạo tin sẽ bán trước (nếu họ nắm bitcoin) -> Những người gần với kẻ thạo tin sẽ bán sau -> những kẻ thạo tin sẽ tiếp tục bán -> Player lúc này sẽ ngơ ngác không hiểu sao thị trường tụt giảm một cách kinh khủng và họ sẽ tranh dành nhau: Ai là kẻ lỗ ít hơn -> Thường trong trường hợp này các trader ít kinh nghiệm sẽ là người lãnh hậu quả cuối cùng -> thua lỗ lớn nhất. Điều đó cũng đúng cho trường hợp ngược lại, vậy nên Trader ít kinh nghiệm luôn luôn là người khi thị trường tăng sẽ ăn được ít nhất và khi thị trường giảm sẽ lỗ nhiều nhất.

      Mọi nỗ lực trading ngắn ngày sẽ biến bạn từ vị thế của người đầu tư thành trader và khi bạn biến mình thành trader thì bạn đã ngồi vào bàn đánh bạc với các đối thủ phía trên đó. Bạn nhắm sẽ ăn được ai?

      Kể cả trong một môi trường mà tạm gọi là công bằng về mặt thông tin, năng lực thì nó như việc bạn ngồi vào bàn đánh bạc mà ở đây chúng ta đánh 3 cây, thuần túy đỏ đen tức là xác suất ăn của mỗi player trong bàn là như nhau thì đó cũng là một game mà nhà cái Auto lãi và rõ ràng nhà cái auto lãi thì player auto thua, về dài hạn họ chỉ tranh nhau xem ai là người thua nhiều hơn mà thôi. Bạn càng chơi nhiêu (trading) thì nhà cái càng ăn. Mỗi 1 năm các công ty chứng khoán lãi hàng nghìn tỷ – tiền mặt chứ không phải cổ phiếu, Binance lãi hàng tỷ đô – cũng là tiền mặt chứ không phải coin vậy thì số tiền đó ở đâu ra? Nó đến từ rake (phí) hay chính xác đến từ hành động trading của các trader. Càng trade nhiều, sàn càng lãi, player càng lỗ.

      Nếu bạn từ bỏ việc trading theo ngày là bạn đã thoát ra khỏi bàn đánh bạc và giữ vững vị thế nhà đầu tư của mình. Để tôi kể cho bạn 02 case của mình:

      Case 1 VIB: Tôi quyết định mua VIB khi thị trường chứng khoán bắt đầu hồi phục , cái ngày mà tôi vào VIB đã lên trong 2 phiên liên tục, tôi quyết định chờ với một suy nghĩ ngu ngốc rằng: Đợi thêm vài phiên nữa xem, xanh mãi rồi cũng phải đỏ cuối cùng VIB tăng 1 mạch và tôi đã phải mua với giá cao hơn 20% so với cái ngày mà tôi quyết định.

      Case 2 Vàng vật chất: Vào thời gian tôi quyết định mua vàng thì vàng đang slide way 1 thời gian dài và đúng cái ngày tôi mua vàng thì vàng cũng đã lên 2 ngày liên tục. Cũng có người nói với tôi rằng “Đợi vài hôm nữa vàng xuống rồi mua tiết kiệm được một chút” lúc đó tôi đã trả lời “Việc đánh cược vào giá ngày mai lên hay xuống là công việc của các cửa hàng vàng – họ là những trader hàng chục năm kinh nghiệm. Còn với tôi việc ngày mai nó lên hay xuống là 50/50 vậy nên tôi quyết định mua luôn -> và đúng may mắn là sau khi mua nó lên 1 mạch, kể cả có nhịp điều chỉnh thì giá lúc đó cũng cao hơn nhiều cái ngày tôi mua.

      Cả hai case trên tôi đều đã exit, một case tôi may mắn và một case tôi ngu ngốc. Gọi là ngu ngốc vì tôi đã cố gắng để biến mình từ nhà đầu tư thành trader (một lĩnh vực mà kinh nghiệm của tôi là Zero)

      Bản chất cái stoploss nó cũng chính là ngưỡng cản về mặt tâm lý (niềm tin) khi tất cả đều tin sản phẩm này không thể xuống dưới X đồng thì họ sẽ mua vào dưới X đồng để tăng giá lên. Stoploss là điều tốt tuy nhiên nó vẫn là cách hành xử của trader. Nhà đầu tư khi họ đã quyết định cắt lỗ họ sẽ không quay lại mua lại trong thời gian ngắn, đó là điểm khác biệt của hai bên.

      Hãy nhìn bạn bè xung quanh tất cả những người có lợi nhuận về mặt dài hạn (hay thậm chí chỉ là không lỗ) phần lớn họ là nhà đầu tư (Holder) chứ không phải trader.

      Vậy nên nếu bạn xác định một tài sản tốt trong tương lai -> hãy trở thành nhà đầu tư và hold nó. Nếu bạn xác định mình có thể ăn được các đối thủ như trên hãy thành một trader – trên thế giới cũng có nhiều trader thành công chỉ có điều là nó quá bé nhỏ khi so với các investor.

      Lựa chọn ở trong tay bạn, your choice your life. GLHF 😉

      Thích

Bình luận về bài viết này