PHẦN I: XÃ HỘI CON NGƯỜI VÀ NHỮNG CƠN NGHIỆN NGẬP
Một vấn đề mà tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi đọc cuốn Sapiens của Yuval Noah Harari là “Cây lúa nước đã thành công trong việc thuần hóa con người”. 10.000 năm trước từ một giống loài săn bắn hái lượm, sau khi thuần phục cây lúa nước, con người chúng ta dần quần tụ trong các thành phố và nghịch lý bắt đầu xuất hiện.
So với thời kỳ săn bắn, năng suất lao động của chúng ta đã tăng gấp hàng nghìn lần. Nếu trước kia khi mỗi người chỉ cần hái quả, săn bắn 2-3h mỗi ngày là họ đã có đủ thức ăn cả tuần thì giờ đây một nông dân làm trong một tháng có thể đủ cho hàng nghìn con người ăn mỗi năm.
Năng suất như vậy mà mỗi con người hiện đại làm việc liên tục 8-12h mỗi ngày nhưng luôn trong tình trạng “nghèo đói”. Nghịch lý là chúng ta đã chăm chỉ hơn, khoa học kỹ thuật phát triển hơn nhưng càng ngày chúng ta lại càng cảm thấy “thiếu thốn” hơn, và ít hạnh phúc hơn.
Vậy nguyên nhân đến từ đâu?
1. Bản Năng Của Sự Ham Muốn
Nhà tâm lý học Maslow đã phân các tầng nhu cầu của con người theo 5 bậc:

Với 02 tầng dưới là những tầng cơ bản, 03 tầng trên là tầng tinh thần.
Khi con người được đáp ứng những nhu cầu cơ bản họ sẽ có ham muốn được đáp ứng ở các tầng cao hơn. Như ông bà hay nói: Ăn no -> Ăn ngon; Mặc ấm -> Mặc đẹp.
Trong quá khứ, thế hệ cha ông chúng ta vẫn đang phải lo lắng về không đủ ăn, không đủ mặc thì đến những thế hệ gần đây, những thứ đó đang ngày một được đáp ứng nhiều hơn.
Với một Gen Y (1980 -1994) trở về trước, họ sẽ có trải nghiệm về cái đói, về việc không đủ ăn đủ mặc một cách thực tế. Họ đi theo bậc thang trình tự từ những tầng dưới cùng đi lên.
Với thế hệ Gen Y trở về sau (như GenZ), họ sinh ra trong một giai đoạn mà đa phần không được trải nghiệm việc “thiếu ăn, thiếu mặc”; có thể họ cũng chưa được ăn các thức ăn đắt tiền nhưng đa phần họ không đói. Hình ảnh đâu đó một gia đình đang ép đứa trẻ ăn hoàn toàn ngược lại với giai đoạn trước của chính bố mẹ hay ông bà chúng.
Và khi của cải vật chất càng nhiều, nhu cầu con người càng dịch chuyển từ những nhu cầu cơ bản sang những nhu cầu tinh thần.
Hồi nhỏ tôi cứ thắc mắc tại sao những nhà hàng 5* trên tivi họ làm cái món ăn bé xíu vậy? Bé vậy ăn sao no? Và tôi hiểu ra được là nếu ăn no, mặc ấm không phải là vấn đề nữa thì con người sẽ quan tâm đến ăn ngon, mặc đẹp. Nếu ăn đã ngon, mặc đã đẹp rồi thì họ sẽ quan tâm đến ăn gì, mặc gì để thể hiện bản thân.
Tận cùng và cao nhất của các nhu cầu tinh thần là ham muốn thể hiện bản thân. Thể hiện chỉ đơn giản là bạn có một điều gì đó nổi bật hơn những người xung quanh. Vậy như thế nào là nổi bật? Nhiều người sẽ định nghĩa theo các cách khác nhau, nhưng với tôi, tối thiểu đó là vượt hơn mức trung bình của xã hội. Và với một tập hợp xã hội càng tập trung đông thì định mức cho việc nổi bật này càng phải cao hơn.
Điều này giống định nghĩa về giàu có, mức tối thiểu để giàu có là bạn có nhiều tài sản hơn trung bình của xã hội xung quanh. Nếu bạn có 10 con bò trong một xã hội ai cũng có 100 con bò thì bạn nghèo, nhưng vẫn là 10 con bò đó trong khi xung quanh người khác chỉ có 1 con bò thì bạn giàu.
Nổi bật cũng như giàu có, nó không chỉ phụ thuộc vào việc bạn có bao nhiêu con bò mà còn phụ thuộc vào việc xã hội xung quanh hay chính xác hơn là xã hội mà bạn tiếp xúc có bao nhiêu con bò.
Sự tập trung của xã hội cũng như sự gia tăng về của cải vật chất dẫn đến việc con người ngày càng phải bỏ ra nhiều “chi phí” hơn để chứng tỏ bản thân, và để cảm thấy hạnh phúc.
Trước đây khi bạn có một chú ngựa đẹp nhất bộ lạc, bạn sẽ hạnh phúc rất nhiều và rất lâu. Đâu đó trong các bộ lạc khác cũng sẽ có con ngựa to hơn, khỏe hơn nhưng bạn cũng đâu có biết, vậy nên nó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến bạn. Giờ đây khi bạn mua một chiếc xe đẹp, bạn vẫn hạnh phúc nhưng sẽ luôn luôn có một chiếc xe đẹp hơn ở đâu đó ngay ngoài kia (hoặc trên instagram) làm giảm bớt và rút ngắn lại sự hạnh phúc của bạn. Khi hạnh phúc của bạn giảm đi, bạn sẽ cảm thấy thiếu và bạn sẽ phải cố gắng để mua chiếc xe đẹp hơn nữa (để tiếp tục hạnh phúc).
Bạn có thể gọi nó là tham lam hay bất kỳ từ nào, nhưng nó vốn dĩ vẫn luôn ở đó, trong bản năng của mỗi con người. Từ hàng nghìn năm xã hội tập trung vẫn luôn có rất nhiều triết học dạy con người biết đủ, và hạn chế sự tham lam của bản thân. Nhưng chính sự tham lam đó đưa loài người chúng ta đến ngày hôm nay. Nếu không có sự tham lam, tôi vốn ăn cái hạt là đủ rồi, sao phải nghĩ cách trồng nó xuống để ăn được nhiều hơn, được lâu hơn? Nếu không có sự tham lam thì bắt con lợn về thịt luôn chứ sao phải nuôi nó rồi giết thịt con cháu nó?
Chúng ta tồn tại, phát triển rồi thống trị hành tinh này là nhờ sự tham lam. Sự tham lam là động lực để mỗi cá thể bên trong không ngừng cố gắng, nỗ lực để vượt lên mức trung bình của cả cộng đồng.
Chỉ có điều sự phát triển của “cộng đồng” đó chưa bao giờ nhanh như hiện tại. Mạng internet hay các mạng xã hội đang kéo chúng ta gần nhau hơn bao giờ hết, nhưng vô hình cũng làm đẩy ham muốn của mỗi người lên mức cao nhất.
2. Sự Đáp Ứng Ham Muốn
Chỉ 10 năm trước một chiếc điện thoại Iphone 2, 3 có thể là mơ ước của rất nhiều người, và bây giờ thì một chiếc Iphone 11,12, hay thậm chí 13 với hàng tấn nâng cấp so với 10 năm trước cũng đang có vẻ “nhàm chán”. Trong thời gian đó Apple có phát triển, có nâng cấp sản phẩm không? Câu trả lời là có, nhiều là đằng khác. Chỉ là nó không nhanh như sự gia tăng kỳ vọng của các người dùng với sản phẩm thôi.
Các công ty vì sự phát triển của chính mình phải lao vào một cuộc chạy đua để đáp ứng tối đa hoặc tạo ra các nhu cầu mới cho người dùng. Họ liên tục phải tạo ra các sản phẩm ngày càng hấp dẫn hơn, cuốn hút hơn, khó từ bỏ hơn và giữ khách hàng trung thành nhất có thể. Và họ đã… tạo ra các cơn nghiện.
Khó có từ nào phù hợp hơn với những thành tố trên như một cơn nghiện. Các sản phẩm ngày càng trở nên giống các chất kích thích khi mà các chỉ số thành công được đo bằng thời gian khách hàng sử dụng, tần suất sử dụng, và tỷ lệ khách hàng quay trở lại hơn là giá trị mang lại cho khách hàng.
Cũng không thể trách họ vì ngay khi lao vào cuộc chơi, họ đã phải đối mặt với hàng nghìn đối thủ có các sản phẩm gây nghiện tương tự và khách hàng thì ngày càng nhanh hơn cảm thấy nhàm chán. Họ chỉ đơn giản là tìm cách để khách hàng dùng sản phẩm của mình nhiều nhất, và lâu nhất; nếu không đối thủ của họ sẽ thay họ làm điều đó.
Ví dụ như chất gây nghiện của thế kỷ này – Iphone, sản phẩm giúp Apple trở thành công ty lớn nhất thế giới. Nếu bạn thấy nhiều năm nay Iphone không có gì đổi mới? Quá nhàm chán? Những thứ đã từng hấp dẫn, gây nghiện trong quá khứ có vẻ đã trở thành quá bình thường. Hãy yên tâm vì Apple sẽ cải thiện điều đó, sẽ là thứ gì đó tốt hơn, hấp dẫn bạn hơn, gây nghiện cho bạn mạnh hơn.
Được hỗ trợ bởi dữ liệu và thông tin khách hàng, các sản phẩm đang được nâng cấp lên với tốc độ chóng mặt mỗi ngày. Càng ngày “các chất gây nghiện” càng chiều chuộng bạn hơn, thấu hiểu bạn hơn, và cuốn hút hơn. Điều đó được đội lốt dưới việc “thu thập dữ liệu để tối ưu trải nghiệm của bạn”.
Đa phần người dùng không muốn các công ty này bán dữ liệu cho các bên thứ 3, nhưng họ lại khá thoải mái trong việc để chính những phần mềm đó sử dụng dữ liệu của mình. Cũng đúng thôi vì trong ngắn hạn họ sẽ hưởng lợi khi có một sản phẩm đáp ứng họ tốt hơn, và thỏa mãn họ hơn. Ai chả thích tương tác với một phần mềm “nói ít hiểu nhiều”. Sự phát triển của các công nghệ mới như AI, Bigdata cộng với lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập sẽ giúp cho tốc độ cải tiến sản phẩm nhanh hơn trước đây rất rất nhiều lần.
Xuyên suốt lịch sử, chúng ta đã và đang học cách sống chậm lại, giảm bớt ham muốn của bản thân. Chúng ta cũng đã phát triển rất nhiều hệ tư tưởng triết học hay tôn giáo để thực hiện điều này.
Tuy nhiên, sự tiến bộ và tiến hóa để thích nghi của chúng ta là chậm hơn nhiều so với sự đáp ứng ham muốn của các chất gây nghiện. Điều đó sẽ cuốn chúng ta vào một vòng xoáy nghiện ngập.
Vậy tác hại của sự nghiện ngập này là gì? Mời bạn đón xem Phần 2.
PHẦN II: TÁC HẠI CỦA NHỮNG CƠN NGHIỆN TRONG THỜI ĐẠI MỚI
Sự phát triển của các công nghệ mang lại nhiều sự tiện lợi cho chúng ta. Nếu trước đây một bức thư phải gửi mất hàng tuần, hàng tháng thì giờ đây chúng ta có thể dễ dàng liên hệ với bất kỳ người bạn nào, ở bất kỳ nơi nào, trong bất kỳ thời gian nào chúng ta muốn.
Nếu trước đây chúng ta còn rất nhiều điều chưa biết thì giờ đây chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm đa phần thông tin cần thiết trong vài giây thông qua Google. Một lần tôi đọc được ở đâu đó rằng Google đã giúp tăng tổng thể IQ của toàn nhân loại lên 10 điểm, quả thật là khủng khiếp.
Nhưng có phải sự tiện lợi, sự phát triển lúc nào cũng là tốt?
Phần trước chúng ta đã nói đến tác hại cơ bản nhất của cơn nghiện là sự gia tăng ham muốn dẫn đến cảm giác luôn luôn là sự thiếu thốn. Phần này mời bạn đến với các tác hại khác.
1. Thông Tin Thỏa Mãn, Thông Tin Kiến Thức Và MR. AGREE
Tôi phân thông tin thành 02 dạng: Thông tin thỏa mãn và thông tin kiến thức. Để đơn giản, ví như chúng ta có hai người bạn.
Người bạn A là người hay nói: “Bạn rất đúng, rất giỏi. Tôi rất thích những điểm ABC của bạn”.
Người bạn B là người hay nói: “Mày ngu bỏ mẹ, cái ABC này sai rồi. Cái XYZ này mới là đúng này”.
Hai hình thức giao tiếp – thông tin này mang lại hai kết quả khác nhau. Người bạn A sẽ mang lại cho bạn niềm tin và sự thoải mái, họ sẽ tiếp thêm động lực cho bạn để bạn làm, thực hiện cái thứ mà bạn cho là đúng. Còn người bạn B sẽ mang lại cho bạn sự phản biện và kiến thức, chưa cần bàn là kiến thức đó đúng hay sai nhưng sự phản biện luôn luôn làm bạn tốt lên, chúng ta sẽ không học được điều gì từ những người luôn luôn đồng ý với mình.
Nhu cầu của con người là chúng ta luôn luôn cần cả hai dạng thức giao tiếp – thông tin như trên, những thứ làm ta vui vẻ và những thứ làm ta trưởng thành.
Quay trở lại dạng thức giao tiếp phổ biến nhất hiện nay: Mạng xã hội và internet.
Nếu để ý về cách thức giao tiếp ở mạng xã hội chúng ta sẽ thấy một quy luật bất thành văn như sau:
– Với những thứ bạn đồng ý: Khen ngợi nó – chia sẻ niềm vui với người post bài.
– Với những thứ bạn không đồng ý: Tốt nhất là nên bỏ qua nó.
Có thể bạn không đồng ý hoặc bạn sẽ hành động khác. Thế nhưng mà tôi tin đa số mọi người (có cả tôi trong đó) sẽ hành xử trong đa số các trường hợp là như vậy. Điều đó mang đến một tác hại rất lớn:
Đó là THIẾU SỰ PHẢN BIỆN.
Điều này không phải do mỗi cá nhân chúng ta close-minded mà nó nằm ở ngay trong chính cách mà các mạng xã hội vận hành. Tôi đã thấy nhiều người khi ở ngoài đời họ là những người rất sẵn sàng nghe các ý kiến trái chiều nhưng khi ở trên mạng xã hội họ hành xử như những con người khác: sẵn sàng block, mắng chửi không thương tiếc với những tư duy phản biện theo kiểu “Nhà tao, tao thích post gì kệ tao. Mày ý kiến khác thì đi chỗ khác mà nói”.
Nguyên nhân đến từ cả hai chiều:
Với sản phẩm có thu thập lượng lớn dữ liệu người dùng – cái mà được sử dụng mỹ từ gọi là “góp phần gia tăng trải nghiệm người dùng”. Vậy trải nghiệm người dùng là cái gì? Người dùng cần gì? Đáp án là “Người dùng muốn sự thỏa mãn nhất”.
Về phía người dùng thì luôn có một thứ gọi là “thiên kiến xác nhận” – một thứ mà khiến cho người ta có xu hướng tin tưởng, tìm kiếm, xác nhận những thứ mà mình cho là đúng (những câu chuyện bói toán, vận đen, vận rủi cũng từ đây mà ra).
Cuối cùng của cặp đôi trên hình thành văn hóa của mạng xã hội hay các giao tiếp số hóa: Người nghe muốn nghe những gì mình muốn nghe, người đưa thông tin cũng chỉ nói những gì người nhận thông tin muốn nghe. Mạng xã hội đóng vai trò như một MR. AGREE vậy. Luôn luôn thỏa mãn nhưng lại thiếu đi sự phản biện hơn.
2. Ngụy Chân Lý Và Sự Thao Túng Đám Đông
Xã hội càng gắn kết, càng tập trung và càng được vận hành bởi số liệu thì càng cho đám đông nhiều quyền quyết định. Lượng thông tin càng nhiều thì chúng ta càng phải sử dụng dữ liệu để phân phối và khi này quyền lực của đám đông được đưa lên trên hết.
Facebook bị gõ vì “lan truyền fake news”? Tôi thì thấy khá oan cho Facebook, họ chỉ xây dựng ra một sản phẩm và lan truyền những thứ cuốn hút người xem hơn và rõ ràng là fake news thì bao giờ chả hấp dẫn hơn true news.
Có thể bạn sẽ nói là bạn vẫn thích đọc các báo chính thống hơn là những tin tức trên Facebook/Google. Nhưng phần đông không nghĩ thế, điều đó thể hiện ở phạm vi hoạt động của các báo truyền thống đã co lại rất nhiều so với thời gian trước đây.
Các kênh thông tin như Facebook/Google hay bất kỳ “sản phẩm” theo trường phái dữ liệu lớn đều có một vấn đề:
– Làm sao ông chủ Tiktok biết được video dạy nấu ăn của anh đầu bếp Việt Nam là hay hay dở? Ăn vào có ngộ độc không?
– Làm sao ông Facebook biết được thông tin về vụ va chạm giữa chú chuột trắng và mèo đen ở ngõ 192 Trường Chinh ngày 25/12/2021 là thật hay giả?
Với hàng tỷ tỷ thông tin như vậy, họ chỉ có một cách duy nhất để đánh giá là dùng dữ liệu lớn dựa trên “phản hồi của cộng đồng”. Và từ đó những thứ đúng-sai lại được định hình trên một thứ “Chân lý đám đông”. Thế rồi khi đám đông ngày càng có nhiều quyền lực sẽ có rất nhiều chuyện bất cập xảy ra.
Đám đông trên mạng xã hội giờ đây mỗi người coi mình như một quan tòa, sẵn sàng phán quyết bất kỳ ai, bất kỳ người nào mà họ thấy sai lầm. Dù anh có là Idol, Kols hay là một người chưa ai biết tên thì rất có thể ngay ngày mai thôi anh sẽ “sáng nhất Facebook”.
Quay lại thời điểm cách đây 2 năm, cộng đồng đã sỉ vả bằng những lời lẽ tồi tệ nhất với một cô gái N17 khi cô ấy vô tình mang dịch bệnh về nước. Thông tin đời tư, ảnh chế và vô số gạch đá cho cô này trong suốt nhiều tháng trên mạng xã hội. Nhưng 2 năm qua đi giờ nhìn lại thì cô ấy có đáng phải chịu những thứ như vậy không? Nếu không có N17 thì rồi cũng sẽ là A18, B19 mà thôi.
Và nếu đám đông đứng như một quan tòa sẵn sàng ném đá đến chết bất kỳ ai mà họ cảm thấy sai lầm vậy thì chúng ta cần luật pháp, cần tòa án để làm gì?
“Chân lý không thuộc về đám đông”, chân lý vốn thuộc về những người hiểu biết. Giống như đúng sai nên phụ thuộc vào pháp luật và tòa án chứ không phải một dạng “biểu quyết”. Mô hình viral là một dạng “biểu quyết”, cái gì like share nhiều thì được lan truyền nhanh, sự lan truyền kết hợp tâm lý đám đông khiến nhiều người ngỡ là nó đúng. Nhưng rõ ràng like, share nhiều không đại diện cho đó là “điều đúng”, đó chỉ là đại diện cho một nhóm người nào đó “tin rằng là đúng” mà thôi.
Ví dụ như năm 2020 có bài viết về việc ăn trứng gà chữa được Covid được rất nhiều người lan truyền và làm theo ??!! Khi một người nói thì có thể bạn không tin, nhưng hàng trăm, hàng nghìn người nói thì niềm tin của bạn cũng bị lung lay ít nhiều.
Phạm trù thông tin gồm rất nhiều thứ đa dạng, có những thứ như trứng gà chữa Covid thì có vẻ dễ phân biệt đúng sai. Có những thứ dạng ngụy khoa học, ngụy biện dẫn dắt như kiểu self help thì cái sai sẽ khó nhận ra hơn nhiều. Ví dụ bài xã hội nghiện mà bạn đang đọc này, tính đúng của nó (nếu có) nên được xác nhận bởi một chuyên gia, một nhà xã hội học nào đó chứ không phải lượng like/share/comment của cộng đồng. Những tương tác đó sẽ đánh lừa Facebook, tiếp tới là đánh lừa bạn và những người đọc khác về tính đúng đắn của bài viết.
Cách đây 1 năm khi dịch Covid diễn ra, người dân UK thi nhau đi đốt các trạm cột sóng 5G vì tin rằng nó làm…phát tán Covid??? Vì sao ngay cả ở quốc gia tưởng chừng như văn minh nhất, hiểu biết nhất thì con người vẫn dễ bị điều khiển đến như vậy?
Về cơ bản thì con người vẫn là giống loài ra quyết định dựa trên thông tin. Lý trí, cảm xúc, tình cảm cũng là một dạng thức thể hiện của thông tin, đến cả bản năng cũng là một dạng thông tin được cấy vào ADN. Khi một môi trường tập trung, thông tin ngày càng cô đọng hoặc xuất phát từ ít nguồn thì nó càng dễ bị làm giả hoặc thao túng.
Kẻ nào thao túng được thông tin sẽ điều khiển toàn bộ con người. Sự thao túng về thông tin còn khủng khiếp hơn sự nô lệ trong quá khứ rất rất nhiều. Nếu trong quá khứ, một nô lệ bị các hình phạt bắt làm một điều gì đó, họ có thể vẫn làm dù họ không muốn. Còn giờ đây một người có thể làm theo ý định của một thứ gì đó mà thậm chí họ nghĩ đó chính là mong muốn của mình. Sự nô lệ không chỉ còn ở thể xác mà còn cả ở suy nghĩ.
3. Tính Nhanh Và Sự Kiên Nhẫn
Con người được chiều chuộng một cách hoàn toàn khác so với những năm trước đây. Tất cả các trải nghiệm đều được cá nhân hóa nhất, thỏa mãn nhất, nhanh nhất và vô hình chung nó càng làm con người trở nên yếu đuối hơn mỗi ngày. Câu chuyện về một cậu bé Brazil nổi cáu khi Netflix load chậm 5s đã làm tôi giật mình, với tôi thì là kỷ niệm vào mạng dial up khoảng 2 phút và load một bài nhạc mất hơn 10 phút để nghe cả bài. Còn với thế hệ trước tôi mọi người gửi một bức thư cần vài tuần hoặc vài tháng để nhận được hồi âm.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử tính nhanh cũng là yếu tố sống còn. Cách đây vài năm thì số liệu đã là: với mỗi giây website load chậm họ sẽ mất 7% khách hàng. Nhìn qua cũng không nhiều lắm nhỉ? Nhưng nếu chúng ta nghĩ theo một hướng khác, khách hàng đã vào website thì vốn họ đã có sự quan tâm với sản phẩm và có nhu cầu tìm hiểu thêm về thông tin sản phẩm. Ấy vậy mà có 7% sẵn sàng từ bỏ sự quan tâm đó vì mỗi giây chậm hơn.
Nhìn sang xu hướng video, chúng ta bắt đầu từ một bộ film dài 2h và thỏa mãn. Rồi khi Facebook Watch xuất hiện, dạng thức “tóm tắt phim” nổi lên. Vậy đấy, chúng ta đã không còn thỏa mãn với video 2h, chúng ta cần video ngắn hơn. Nên nhớ là Facebook không giới hạn thời lượng video upload lên. Việc rất nhiều video ngắn dạng “tóm tắt phim” xuất hiện là do nhu cầu của người dùng chứ không phải do Facebook.
Và khi Tiktok giới hạn video ở 60s họ có sự thành công vượt bậc. Video kiến thức cũng được, giải trí cũng được, review cũng được, nhưng chỉ 1 phút thôi. Họ gọi đó là video ngắn, nhưng đó không phải là video ngắn – đó là video NHANH. Chỉ với chữ nhanh đó Tiktok đã trở thành startup lớn nhất thế giới.
Tính nhanh xuyên suốt quanh tất cả các sản phẩm công nghệ hiện nay, ai cũng muốn và kỳ vọng vào việc nhanh hơn. Dần dà điều đó làm chúng ta mất dần khả năng kiên nhẫn của bản thân.
Nếu một người chỉ muốn xem video 1 phút để giải trí, xem một bộ phim trong 10 phút vậy điều gì chắc chắn họ đủ kiên nhẫn để dành 10.000 giờ cho một kỹ năng mới?
Sau tất cả những tác hại của các chất gây nghiện, xã hội nghiện sẽ trông như thế nào và chúng ta cần làm gì trong xã hội nghiện? Mời bạn đón xem Phần 3.
PHẦN III: PHÂN CHIA GIAI CẤP TRONG XÃ HỘI NGHIỆN
Vòng xoáy của những cơn nghiện sẽ đẩy xã hội đến sự phân hóa mạnh, sự phân hóa về của cải vật chất sẽ đi kèm theo sự phân hóa của các giai cấp.
1. Các Giai Cấp Trong Thời Đại Mới
a. Kẻ tạo lập cơn nghiện
Trong một thế giới nghiện ngập thì kẻ tạo ra cơn nghiện đứng trên đỉnh kim tự tháp. Là những người cầm quyền trong thời đại mới. Họ làm hoàng đế trong quốc gia họ tạo ra, họ có quyền cấm tham gia với bất kỳ ai không tuân theo quy tắc mà họ đưa ra. Ngày nào chúng ta còn nghiện thì họ còn đứng trên đỉnh kim tự tháp. Thật khó nói nếu so sánh về quyền lực của Facebook, Google, Apple so với một nguyên thủ quốc gia. Các Big tech giờ đây ngày càng giống một vị hoàng đế hơn là một lãnh đạo tập đoàn.
Nếu hoàng đế khi xưa bỏ tù những ai không tuân theo lời họ hoặc không tuân theo luật lệ (do họ làm ra) thì những hoàng đế thời đại mới cũng vậy. Bản chất việc bỏ tù một ai đó hay block có cùng một tính chất, sự trừng phạt đến từ việc cắt toàn bộ các nhu cầu tinh thần 3 tầng trên của tháp nhu cầu. Người bị giam giữ không được tham gia cộng đồng, không được tôn trọng, không được thể hiện bản thân. Nếu không tham gia cộng đồng thì lấy ai để tôn trọng mình, lấy ai để mình thể hiện với họ. Đến hiện tại hoàng đế thời đại mới vẫn chưa có đầy đủ quyền lực do chúng ta vẫn đang sống song song trong thế giới cũ và thế giới mới. Nhưng thử tưởng tượng nếu một ngày tất cả bạn bè chúng ta đều online, thì việc bị block và việc bỏ tù không khác nhau quá nhiều.
Hai trăm năm trước nước Anh rất thông minh khi xâm nhập Trung Quốc bằng nha phiến, hai trăm năm sau Trung Quốc đã rất tỉnh táo khi ngăn chặn toàn bộ Facebook, Google thâm nhập vào mà dành chỗ cho Alibaba, Tencent, Baidu v.v.. Và cũng không khó hiểu khi chính các big tech nội địa này lại tiếp tục bị gõ khi trở nên quá lớn. Đơn giản là ở một nơi mà có hoàng đế trị vì thì hoàng đế sẽ không chấp nhận sự xuất hiện của các hoàng đế khác.
Kẻ tạo cơn nghiện là tinh hoa, đứng ở trên đỉnh của xã hội. Xã hội càng tập trung thì tầng lớp này càng cô đọng. Nếu 5000 năm trước hàng nghìn tù trưởng quản lý hàng nghìn bộ lạc thì giờ đây sẽ chỉ còn rất ít hoàng đế quản lý các vương quốc do mình tạo ra và kiểm soát. Dù có thể vương quốc đó không hề có giới hạn về địa lý hay ngôn ngữ.
b. Con nghiện
Con nghiện có nhiều hình thức tên gọi khác nhau phụ thuộc vào “độ nghiện ngập”. Nhẹ nhàng thì là người tiêu dùng, nặng hơn chút thì là con nghiện, nặng nữa thì là nô lệ. Vậy nên tôi xin được dùng mức ở giữa – con nghiện để định danh nhóm này.
Trong chúng ta ai cũng đang là một con nghiện cho một thứ gì đó. Có thể nó mang dáng dấp lành mạnh như “công việc”, “sự nghiệp” hoặc thời trang hay đồng hồ, hay như game, mạng xã hội, hay như các chất gây nghiện “truyền thống” như rượu bia, thuốc lá, ma túy v.v… Về cơ bản thì con nghiện là người chi trả chính cho những kẻ gây nghiện thông qua quá trình sử dụng chất gây nghiện của mình. Mức chi trả này cao hơn tiêu dùng và tiêu thụ, họ chi trả một cách không dừng được dù đôi khi họ cảm giác thấy việc tiêu thụ đó không có lợi hại thậm chí là độc hại đối với mình. Như một con nghiện tỉnh táo sau cơn say và hối hận về hành động của mình.
Sẽ thật khó nói nếu so sánh việc nghiện Facebook, smartphone hay nghiện thuốc lá cái nào tệ hơn. Một nghiên cứu nói rằng cứ mỗi một điếu thuốc bạn hút sẽ giảm đi 7 phút tuổi thọ. Vậy 1 bao thuốc là 2h, 2h đó có khác gì 2h của việc chơi game hoặc lướt Tiktok hay không?
Bạn đã bao giờ bị mất điện thoại, Facebook trong một – vài ngày chưa? Nếu có thì bạn có cảm thấy khó chịu, bứt rứt không? Đó là một triệu chứng của cơn nghiện, một triệu chứng của việc đói dopamine. Smartphone/ mạng xã hội làm được một điều không chỉ là nơi để kết nối cộng đồng nó còn đồng thời thỏa mãn các nhu cầu thể hiện bản thân. Chính vì vậy có lẽ smartphone trở thành cơn nghiện thống trị suốt trong thời gian qua
Tất cả những ai thuộc tầng lớp con nghiện sẽ là người bị trị trong thời đại mới. Sự say mê với cơn nghiện sẽ làm họ ít khả năng tiếp cận với các thông tin chính xác hơn. Thói quen tiếp xúc với những thứ dễ dãi, thiếu tư duy phản biện sẽ khiến họ dễ bị điều hướng hơn. Đi đến tận cùng sự tự do không còn kể cả ở trong suy nghĩ. Khi đã kết dính cả về thời gian và thông tin ở trên một hệ thống nào đó thì việc thay đổi quan điểm hay suy nghĩ của một người hay nhóm người chỉ là việc thay đổi thuật toán.
Mặc dù là một người kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ nhưng tôi nghĩ các phụ huynh nên cho con mình sử dụng công nghệ một cách thận trọng. Đừng cấm đoán trẻ chơi game/Tiktok vì bạn sẽ làm chúng mất khả năng đề kháng sau này vì trước sau chúng cũng sẽ tiếp cận với các cơn nghiện và nếu không có sức đề kháng chúng sẽ gây ra hậu quả rất khủng khiếp. Còn thận trọng vì chúng ta không muốn bị nghiện quá sớm phải không nào?
c. Kẻ bán thuốc
Đây là tầng lớp thú vị nhất: họ giống những kẻ tạo lập cơn nghiện ở chỗ có thể nghiện nhẹ hoặc đã từng nghiện nhưng không đắm chìm trong đó. Họ giữ được trạng thái vừa hòa nhập nhưng không bị hòa tan, tôi gọi đây là trạng thái bơi theo cơn nghiện. Tuy nhiên do họ không đủ năng lực, nguồn lực để trở thành hệ thống lớn để trở thành hoàng đế vậy nên họ thường đóng vai trò là quần thần hỗ trợ cho các kẻ tạo lập truyền bá cơn nghiện của mình
Họ có thể đóng vai trò hợp pháp như những kẻ phân phối cơn nghiện: Một nhà kinh doanh trên Amazon, một nhà sáng tạo nội dung trên Tiktok. Họ có thể là một developer đang code game. Họ cũng có thể là đầu bếp của một nhà hàng sang trọng nào đó.
Hay những vai trò bất hợp pháp như một kẻ tổ chức cờ bạc ở môi trường online hay thậm chí ở đời thực.
Tựu chung lại họ sống trong thế giới nghiện ngập, cố gắng học tập mỗi ngày để hiểu nguyên lý, cách vận hành của xã hội mới đồng thời cố gắng để mình không bị sa đà vào cơn nghiện. Quả là một điều không dễ dàng.
Càng hiểu về nguyên lý cơn nghiện và cách thức tận dụng nó, họ càng thành công. Vì đó sẽ là cách mà thế giới vận hành.
d. Ẩn sĩ
Đây là một tầng lớp không mới trong xã hội, họ chọn cuộc sống cách biệt – không tiếp xúc với các chất gây nghiện. Trong một xã hội mà phần lớn đều là con nghiện và các chất gây nghiện len lỏi khắp tất cả các mặt cuộc sống thì việc cách biệt với chất gây nghiện đồng nghĩa với việc cách biệt khỏi phần lớn xã hội. Thách thức lớn nhất với tầng lớp này là sự cô đơn khi họ chọn cuộc sống tách biệt ra khỏi xã hội.
Ở mức độ nhẹ có thể là một nhóm người “về quê trồng rau nuôi cá”, ở cấp độ cao hơn đó có thể là một cao tăng khổ hạnh đang thực hành việc sống hạnh phúc thông qua cắt giảm ham muốn và tìm bình yên nội tại ở nơi nào đó.
Đây là tầng lớp mà nếu vượt qua được sự cô đơn thì họ sẽ có một sống một cuộc sống hạnh phúc nội tại. Hình thức này đã xuất hiện rất lâu trong lịch sử trong các dòng tôn giáo và đời thường.
Rút ra khỏi một vài thứ thì bạn là ẩn sĩ, là người tu tập. Rút ra được tất cả là đắc đạo. Giúp đỡ mọi người rút ra được thì đó chính là hiền triết, là thánh nhân.
Bạn sẽ thấy một phần nào đó của ẩn sĩ ở xung quanh bạn. Một người bạn trẻ nào đó không dùng smartphone, không Facebook hoặc thậm chí ít giao tiếp với xã hội, ít mong cầu. Họ có thể có một cuộc sống giản dị, không quá giàu có về mặt vật chất nhưng đủ đầy về mặt tinh thần. Dĩ nhiên đâu đó chúng ta sẽ thấy cuộc sống như vậy khá là buồn chán nhưng với họ đó là sự hạnh phúc (ít nhất đó là góc nhìn của họ).
Đây là tầng lớp đã tồn tại rất lâu đời và cũng sẽ không mất đi trong thế giới mới. Tuy nhiên như đã nói ở các phần trước, sự tham lam và ham muốn là bản năng đã giúp con người ta đi đến ngày hôm nay. Loài người phát triển vì lúc nào họ cũng “muốn” thêm một thứ gì đó. Vậy nên về nguyên tắc đây không thể là một tư tưởng chủ đạo trong một xã hội phát triển.
2. Chúng Ta Có Thể Làm Gì?
Đầu tiên đừng để mình trở thành một người “quá” nghiện dù đó là bất kỳ thứ gì. Mong cầu là không xấu nhưng phụ thuộc vào mong muốn đó là tai hại. Bao nhiêu đời nay nghiện lúc nào cũng là dở.
Các tôn giáo cũng như những hệ tư tưởng như Phật Giáo, thiền, chủ nghĩa khắc kỷ, đạo đức kinh hay các tôn giáo khác là một công cụ hữu ích giúp chúng ta kiềm chế lại các mong muốn và dục vọng của bản thân. Tất nhiên bạn không nhất thiết phải tu tập để trở thành một vị chân tu, chỉ tìm hiểu và tu tập một chút để giữ cho mọi thứ trong tầm kiểm soát đã là rất có lợi rồi.
Như cá nhân mình nghiện thuốc lào – cũng là dở lắm nhưng nếu không có một vài thứ như vậy thì cuộc sống sẽ thật buồn phải không (tâm sự của con nghiện).
Ngoài ra hãy cố gắng đừng để mình trở thành người bị nô lệ về tâm thức. Nếu bạn chỉ tiêu thụ một thông tin từ một nguồn mà thiếu sự đa dạng hay tư duy phản biện bạn sẽ trở thành nô lệ về tâm thức. Nếu tất cả thông tin bạn nạp vào chỉ đến từ Tiktok, Facebook, hay thậm chí một nguồn nào đó thì sẽ ra sao? Bạn sẽ hành động, cư xử theo nguồn thông tin đó và nếu ra sao nếu đó là những thứ điều hướng? Đó là những fake news?
KẾT:
Loài người vẫn sẽ tiếp tục bơi trong sự ham muốn của mình. Phần lớn trong mỗi chúng ta đều đóng nhiều vai trò một lúc như ẩn sĩ, con nghiện, kẻ bán thuốc nhưng theo xu hướng gia tăng của cơn nghiện thì sự phân hoá sẽ ngày càng lớn. Mọi thứ sẽ tiếp tục phân hoá khi mọi người cố gắng deliver những cơn nghiện đó và gốc rễ vẫn đến từ nhu cầu gia tăng mỗi ngày.
Có lẽ đó là lý do mà tôn giáo và các hệ tư tưởng xuất hiện hàng nghìn năm nay và có lẽ sẽ còn tồn tại trong tương lai dài phía trước.
Chủ đề bạn muốn đọc trong các bài viết tiếp theo là gì?